Bộ Y tế yêu cầu cử chuyên gia hỗ trợ Hà Nội ngăn chặn sốt xuất huyết
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng gấp 5,7 lần. Bộ Y tế yêu cầu lập đoàn công tác hỗ trợ Hà Nội.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao trong các tuần gần đây (gần 500 ca/tuần). Hiện Hà Nội đã ghi nhận 3.180 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng 5,7 lần.
Do vậy, trong tháng 8 và tháng 9, Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có nguy cơ cao, có ổ dịch phức tạp.
Hà Nội cũng yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống phù hợp.
Lật úp các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng.
Để tăng cường hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị tập trung chỉ đạo thành lập ngay đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trực tiếp đi kiểm tra, giám sát, hỗ trợ TP Hà Nội về chuyên môn kỹ thuật phòng, chống sốt xuất huyết.
Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng sốt xuất huyết tại Hà Nội và chủ động tham mưu Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thuộc khu vực phụ trách giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông đến từng hộ gia đình để mỗi hộ thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi, mắc màn khi ngủ...để giảm nguy cơ bùng phát dịch.