Bộ Y tế hướng dẫn mẹ mắc COVID-19 cách cho con bú
Ngày 28-3, Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19.
Dấu hiệu bất thường thời kỳ hậu sản khi mắc COVID-19
Bộ Y tế hướng dẫn đối với bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và bà mẹ cho con bú mắc COVID-19 cần theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hằng ngày.
Khi có dấu hiệu khó thở, thở hụt hơi, nhịp thở ≥ 20 lần/phút, SpO2 ≤ 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp: huyết áp tâm thu < 90 mmHg, huyết áp tâm trương < 60 mmHg (nếu có thể đo). Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân, cần liên hệ với cán bộ y tế.
Đặc biệt, theo dõi sản dịch, co hồi tử cung và phát hiện các dấu hiệu bất thường về sản khoa.
Khi có những dấu hiệu bất thường như: ra máu tăng dần hoặc có máu cục; sản dịch có mùi hôi; đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ, tăng dần; vết khâu tầng sinh môn (đối với sinh thường) hoặc sẹo mổ đẻ có khối; bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ; sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ; phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều; co giật; vú xuất hiện sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ… cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế.
Mẹ mắc COVID-19 cho con bú như thế nào?
Bộ Y tế hướng dẫn trong trường hợp mẹ và trẻ đều xác định mắc COVID-19, mẹ có thể duy trì việc cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ ngạt mũi, khó bú, mẹ cần vệ sinh mũi cho trẻ trước khi bú. Trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.
Trong trường hợp chỉ có bà mẹ được xác định mắc COVID-19, nhân viên y tế cần tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19.
Nếu mẹ quyết định tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ cần: rửa tay thường quy bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi cho trẻ bú và đeo khẩu trang mỗi khi tiếp xúc gần với trẻ.
Vệ sinh bầu vú 1 lần/ngày khi vệ sinh thân thể, không cần vệ sinh trước mỗi lần cho bú. Nếu bà mẹ ho, hắt hơi làm chất tiết bắn vào bầu vú, vệ sinh vú bằng nước sạch và xà phòng, sau đó lau khô.
Nếu trẻ không bú được cần hướng dẫn bà mẹ vắt sữa bằng tay (hoặc bằng dụng cụ) và cho trẻ ăn bằng cốc và thìa; rửa tay thường quy bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vắt sữa.
Đeo khẩu trang trong quá trình vắt sữa và cho trẻ ăn; vệ sinh dụng cụ vắt sữa, máy hút sữa và các dụng cụ cho trẻ ăn như cốc, thìa (tốt nhất tiệt trùng bằng cách hấp hoặc luộc).
Trường hợp sức khỏe bà mẹ tiến triển nặng, không thể tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, có thể sử dụng sữa thanh trùng từ ngân hàng sữa mẹ (nếu có) hoặc nuôi dưỡng trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Hỗ trợ bà mẹ cho con bú ngay khi sức khỏe ổn định.
Bộ Y tế cũng lưu ý, trong quá trình chăm sóc trẻ không nhất thiết phải làm xét nghiệm thường xuyên test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.
Không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm cho phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú… khi chưa có chỉ định, kê đơn. Tuyệt đối không xông hơi cho trẻ sơ sinh dưới bất kỳ hình thức nào và không được xịt rửa mũi cho trẻ sơ sinh.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời. Chế độ ăn của người mẹ liên quan đến số lượng và chất lượng sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.