Bỏ việc tìm nơi mới, sau lại quay về vì "công ty cũ là chân ái"

Chia sẻ Facebook
22/06/2023 15:11:38

Lúc nộp đơn nghỉ việc, những người này chẳng có gì hối hận, bởi họ tin chỉ một thời gian ngắn nữa bản thân sẽ tìm được chốn đỗ mới tốt hơn. Thế nhưng sau vài tháng ngắn ngủi, họ mới nhận ra hiện thực khắc nghiệt, chỉ muốn quay lại công ty cũ làm việc.

Những năm trở lại đây, tỉ lệ người nhảy việc ngày càng cao hơn, nhất là các lao động trẻ. Theo Anphabe, (đối tác của Linkedln - mạng xã hội việc làm có độ phủ sóng toàn cầu), trào lưu nghỉ việc ồ ạt đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2021. Báo cáo của Microsoft cũng cho thấy có tới 42% người đi làm trên thế giới chia sẻ rằng họ đang có ý định "nghỉ việc".


Trong bài viết "Nghỉ việc có chữa lành áp lực cho Gen Z" được đăng tải trên YAN có chỉ ra một số lý do khiến người trẻ dễ dàng nhảy việc. Nhưng trên thực tế, không phải ai sau khi nghỉ việc cũng tìm được chốn đỗ mới phù hợp với bản thân. Thậm chí, có nhiều người sau khi đi khắp thị trường lao động, họ chỉ mong được quay trở về công ty cũ làm lại.

Lúc nghỉ việc còn tràn trề hi vọng, sau lại hối hận không thôi. (Ảnh: Pinterest)

Nhảy việc với hi vọng mới, ai ngờ đi đâu cũng chỉ muốn quay về chốn cũ

Hầu hết những người nhảy việc đều là vì tin rằng bản thân sẽ có được một công việc mới tốt hơn hiện tại. Nhưng sự thật lại không phải như vậy. Có không ít trưởng hợp phải đối mặt với cảnh thất nghiệp suốt mấy tháng trời vì rải CV khắp nơi không ai nhận. Ban đầu họ rất tự tin vào bản thân cũng như số lượng việc làm đang được tuyển dụng, vì vậy mới sẵn sàng bỏ ngang công ty cũ như thế. Nhưng sau một thời gian, tâm lý bắt đầu chán nản, chỉ đành quay lại chốn cũ hoặc chấp nhận một mức lương thấp hơn để có việc làm.

Còn có những người may mắn hơn ở chỗ, vừa xin nghỉ việc đã có ngay công việc mới. Nhưng khổ nỗi, dù mức lương cao hơn chỗ cũ, họ lại phải đối mặt với vô vàn bất cập, ví như chuyện áp lực văn phòng hay môi trường không phù hợp để thăng tiến, công việc khác xa những gì đăng tuyển... Cũng vì vậy nên chỉ sau một thời gian ngắn chuyển chỗ làm, những nhân viên này liền cảm thấy hối hận vì trước đó đã nghỉ việc quá vội vàng. Hóa ra những gì mà họ từng nghĩ là “tồi tệ" hay “không thể chấp nhận được" ở công việc cũ lại chỉ là những điều rất bình thường.

Đi làm nhiều nơi mới nhận ra, hóa ra công ty cũ là chân ái. (Ảnh: Business Insider)

Không phải lúc nào công việc mới cũng tốt hơn công việc cũ. (Ảnh: Insider)


Từng rơi vào hoàn cảnh như trên, chị H.L (31 tuổi, sống tại Hà Nội) tâm sự trên Cột sống Gen Z : " Ai đi làm cũng vậy thôi, cứ thấy bên khác deal mức lương bùi tai là 'khăn gói quả mướp' đi ngay. Mình lúc xin nghỉ việc còn vui như Tết vì nghĩ rằng tìm được chỗ mới ngon hơn, tạm biệt cái chốn vất vả này. Nhưng đi rồi mới biết hóa ra đời không như mơ.


Sau 3,4 lần nhảy việc mình mới hiểu, hóa ra công ty nào cũng có khuyết điểm cả thôi. Chỗ cũ mình tuy không hoàn hảo nhưng ít nhất cũng không bị áp lực, nhân viên cạnh tranh. Nhưng đi rồi đâu phải muốn về là về, lúc đó chỉ biết tiếc, trách bản thân quá tham lam.


May sao gần đây công ty cũ lại đăng tuyển đúng vị trí của mình, thế là hồ hởi quay xe ngay. Tuy xấu hổ lắm nhưng thôi còn về được là mừng, chứ không thì chẳng biết xoay sở sao."

Sau một thời gian nhảy việc, nhiều người chỉ muốn quay lại chốn cũ. (Ảnh: XinHua)

Một số người còn không thể quay lại công ty cũ, chỉ có thể cắn răng làm công việc mới hoặc chịu cảnh thất nghiệp ở nhà. (Ảnh: TechNode)

Làm gì cũng phải có kế hoạch rõ ràng, đừng vội vàng bỏ việc

Rất nhiều người dù mỗi ngày đi làm đều đều nhưng vẫn chẳng bao giờ cảm thấy hài lòng với mức lương mà bản thân có. Thế nên khi thấy một cơ hội tốt hơn, họ sẽ tính đến chuyện nhảy việc. Điều này chẳng có gì sai trái, cũng không hề hiếm gặp hiện nay. Nhưng nếu không muốn bản thân phải hối hận vì quyết định này, mọi người trước khi nộp đơn thôi việc phải lên kế hoạch cụ thể cho mình, đừng chỉ tìm kiếm "công việc trong mơ" một cách vô tri.

Đầu tiên phải tìm hiểu thật kĩ về thị trường lao động, từ mức độ cạnh tranh của bản thân đến khả năng có việc mới, lộ trình phát triển và cách thức hoạt động ở từng vị trí, công ty khác nhau... Hãy chắc chắn rằng khi nộp đơn nghỉ việc, bạn đã tìm được một chốn đỗ mới tốt hơn, không chỉ là ở vấn đề tiền lương. Điều này đòi hỏi mọi người phải nghiên cứu thật kĩ, như vậy mới tăng khả năng nhảy việc thành công.


Chia sẻ thêm về điều này, chị Nguyễn Thái Hà (Giám đốc tuyển dụng của VNOKRs, giảng viên thỉnh giảng môn kỹ năng ứng tuyển ở Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) nói với báo chí: "Một người chuyển việc thành công thì họ phải rất chắc chắn về năng lực của mình, hiểu mong muốn của bản thân và rõ ràng về mục tiêu hướng đến. Vì thế, các bạn ứng viên đừng nghe những lời hứa hẹn như cứ sang đây đi, em chỉ cần làm đúng những công việc em đang làm thì thu nhập sẽ gấp đôi... bởi có thể cùng một chức danh nhưng khối lượng công việc khác nhau".

Đừng để những lời mời gọi hấp dẫn làm mờ mắt bạn. (Ảnh: Asian)

Một việc làm phù hợp còn phải đánh giá dựa trên nhiều yếu tố. (Ảnh: Getty Images)

Tất cả mọi người chỉ nên nghỉ việc khi có kế hoạch rõ ràng, phù hợp. (Ảnh: The New York Times)

Nghỉ việc là quyết định của mỗi người, nhưng hãy làm sao để bản thân không rơi vào tình cảnh khó khăn, không thể tìm được việc làm. Tìm kiếm một chốn đỗ mới tốt hơn là điều không hề sai, nhưng cũng đừng quá 'đứng núi này trông núi nọ' nhé.

Bên cạnh tìm kiếm một công việc mới tốt hơn, mọi người cũng phải không ngừng trau dồi kiến thức và chuyên môn của bản thân. Chỉ khi giá trị tăng cao, bạn mới có cơ hội nhận được nhiều điều xứng đáng hơn với mình.

Kể cả khi chưa tìm được việc làm, mọi người cũng tuyệt đối đừng nản, hãy tận dụng điều đó để tìm hiểu thêm nhiều thứ hữu ích mới. Cũng đừng quá cầu toàn, đôi khi những điều nhỏ nhặt lại là hành trình cho chặng đường trải hoa tiếp theo đấy.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook