Bỏ việc lương vài chục triệu, anh giám đốc người Thái Bình 'vét cạn túi' đi cứu vớt người đuối nước

Chia sẻ Facebook
20/08/2022 12:07:41

Bén duyên với “nghề sông nước”, trở thành đội trưởng đội Cứu hộ cứu nạn 116, anh Nhâm Quang Văn (38 tuổi, quê Thái Bình) đã dành hết thời gian và tâm sức để cứu giúp những người gặp tai ương.

"Việc tôi đang làm xuất phát từ lòng thương cảm khi nhìn thấy nhiều gia đình gặp nạn sông nước quá thương tâm và cũng từ vài lần bản thân chết hụt ở biển và sông. Thật ra, làm việc này không hẳn để trả nợ đời, tôi cứ làm mà không biết như thế nào là đủ. Chừng nào còn người gặp nạn thì tôi và đồng đội sẽ còn giúp đỡ họ."


Với một lòng quyết tâm, tinh thần nhiệt huyết như vậy, anh Văn đã "rời" vị trí Giám đốc một công ty vận tải chuyên cung cấp xe cẩu hàng hóa và lắp dựng các nhà máy với thu nhập vài chục triệu đồng/tháng để ngày ngày mò mẫm khắp các con sông tìm người tử nạn. Giao công ty cho một người khác tạm quản lí, anh Văn tự nhận mình bỏ bê công việc nhưng trong lòng luôn đau đáu về những thi thể không may mắn nằm lại dưới mặt nước.


"Bén duyên" với nghề sông nước

Chuyến công tác ra biển lắp đặt đường ống dẫn khí cho nhà máy nhiệt điện khu vực Cồn Vành huyện Tiền Hải (Thái Bình) năm 2015 đã khiến suy nghĩ của anh Văn "rẽ" sang một hướng khác. Lần đó, chiếc xà lan chở anh, các kĩ sư đi cùng và trang thiết bị bao gồm xe cẩu, máy xúc bị chìm cách bờ biển 5 km. Vị trí gặp nạn đúng phần cát bồi, cần cẩu nhô lên mặt nước đủ để nhóm người leo lên. Tuy nhiên, ngày hôm ấy,  sóng to gió lớn, đội cứu hộ của Bộ đội Biên phòng gần đó không tiếp cận được. May mắn thay, sau đó, cả nhóm được tàu cá của ngư dân cứu giúp.

Tới năm 2020, trong trận mưa lũ lịch sử ở miền Trung, anh xung phong vào giúp đỡ bà con tìm kiếm những người mất tích. Bên cạnh đó, anh và bạn bè, đồng nghiệp còn hỗ trợ 60 xe cứu hộ 0 đồng, chuyển hơn 100 ca-nô và nhu yếu phẩm của các mạnh thường quân từ miền Bắc chi viện cho người dân. 28 ngày xa nhà, nhận hàng nghìn cuộc gọi, anh thấu hiểu hơn nỗi thống khổ của những người gặp nạn giữa dòng nước mênh mông.

Và cũng sau chuyến đi này, anh trở về nhà, dùng số tiền tích luỹ định để xây thêm tầng nhà để mua thêm 1 chiếc ca-nô, 2 chiếc xuồng, lập đội Cứu hộ cứu nạn 116 với mục tiêu làm công tác tìm kiếm cứu nạn đường thuỷ, hỗ trợ miễn phí tàu thuyền, người gặp nạn trên các sông ở Thái Bình và vùng lân cận. Anh Văn tiết lộ, hiện tại, anh còn làm cứu hộ cứu nạn đường bộ, giải toả những vụ tai nạn giao thông đường bộ tại khu vực tỉnh Thái Bình.

2 năm gắn bó với công việc này, anh chẳng nhớ mình đã bao nhiêu lần tìm thấy các thi thể đuối nước từ Thái Bình đến Quảng Nam. Có những vụ chỉ mất đến vài tiếng, có những vụ mất đến cả tuần để tìm kiếm, thậm chí có thời điểm xảy ra 3-4 vụ cùng một lúc nhưng vị trí địa lí cách xa nhau. Điều mà anh thấy đau đáu nhiều nhất sau khi cứu hộ cứu nạn, có lẽ là tiếng khóc ai oán của các gia đình nạn nhân.

Phải tùy thuộc vào địa hình sông, dòng chảy của nước ra sao, cả đội mới xác định được vị trí của thi thể. Sau khi bàn giao cho người nhà, nhiệm vụ của đội vẫn chưa hết. Họ tình nguyện ở lại hỗ trợ tắm xác, trang điểm, tài trợ quần áo, đồ thờ cúng hoặc đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đội sẽ kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ. Trong khi đó, số thành viên của đội chỉ khoảng chục người.


Hành động từ trái tim

Làm xuyên đêm, không phân biệt sáng tối, có khi nhịn đói nguyên ngày, có khi ướt sũng vì ca-nô chưa có mái che khi trời mưa, điện thoại lúc nào cũng kề bên ngay cả lúc ngủ, đó là những gì anh Văn và đồng đội chấp nhận khi làm công việc khó khăn này. Riêng với anh Văn, sở thích cá nhân hay thời gian dành cho vợ và 3 đứa con, anh chấp nhận "không có" để toàn tâm toàn ý dành thời gian cho đội tìm kiếm.

"Thời gian dành cho gia đình tôi không có nhiều và cũng đã nhiều lần tự bản thân tôi cảm thấy quá sức vì quá nhiều việc chồng lên nhau khiến mình chẳng giải quyết nổi. Tôi cũng thường tâm sự, chia sẻ với vợ nhưng chưa bao giờ cô ấy khuyên tôi nên dừng lại. Vì vợ tôi hiểu tính chồng, đã làm bất cứ việc gì là tôi làm tới cùng"

Công việc vất vả là vậy nhưng anh Văn tự hào đội không hề lấy tiền cứu hộ của ai đồng nào, kể cả tiền xăng dầu. Tất cả những gì anh và đồng đội làm đều xuất phát từ trái tim. Thời gian trước đây, gần như chỉ có một mình anh làm công việc này còn thời gian gần đây, đã có thêm người xin vào đội. Bởi thế, anh muốn mua thêm ca-nô để đảm bảo an toàn cho các anh em khác. Tuy nhiên, kinh phí lớn, cộng thêm phần khó khăn vì dịch Covid khiến cho doanh nghiệp của anh Văn gần như phá sản khiến anh không còn khả năng chi trả.

"Làm gì có điều tiếng gì khi mọi chuyện tôi làm đều minh bạch! Thêm một điều nữa, suốt 2 năm qua, tôi đều bỏ tiền túi của mình ra để đi giúp mọi người, mỗi vụ bình quân cũng khoảng từ 10-20 triệu đồng. Nếu làm vì tiền thì tôi đã lấy thẳng tiền của gia đình người bị nạn, mỗi vụ 50-70 triệu đồng chứ cần gì phải kêu gọi CĐM?"

Chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai, anh Văn cho biết bản thân sẽ cố gắng dần khắc phục doanh nghiệp để phát triển các hoạt động kinh doanh như trước. Còn về đội Cứu hộ cứu nạn 116, anh sẽ mua thêm các trang thiết bị phục vụ công việc tìm kiếm như camera dưới nước, lưới, móc câu rà, đồng thời sẽ treo phao cứu nạn trên các thành cầu và mở những lớp dậy bơi miễn phí cho các trẻ nhỏ.

Chia sẻ Facebook