Bộ trưởng Yellen: TQ sẽ mất vị thế trên thế giới nếu không giúp ngăn chặn chiến tranh Ukraine
Bộ trưởng Yellen: TQ sẽ mất vị thế trên thế giới nếu không giúp ngăn chặn chiến tranh Ukraine
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, Trung Quốc nên góp sức ngăn chặn “cuộc chiến tàn ác” của Nga ở Ukraine nếu không sẽ phải đối mặt với việc mất vị thế trên thế giới. Bà cũng cảnh báo, những ai tìm cách phá hoại các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ phải đối mặt với hậu quả về kinh tế.
Embed from Getty Images
Theo Reuters, bà Yellen nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington hôm 13/4 rằng, bà “nhiệt thành” hy vọng Trung Quốc sẽ tận dụng “mối quan hệ đặc biệt” với Nga để thuyết phục Moscow chấm dứt xung đột.
Bà tuyên bố:
“Thái độ của thế giới đối với Trung Quốc và sự sẵn sàng hội nhập kinh tế hơn nữa của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi phản ứng của Bắc Kinh trước lời kêu gọi của chúng tôi về hành động kiên quyết đối với Nga.”
Bà Yellen cảnh báo, giới lãnh đạo Trung Quốc nên nhận thức được rằng sự sẵn sàng hội nhập kinh tế của quốc tế với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc tuân thủ các yêu cầu đa phương về việc Nga chấm dứt chiến tranh.
Bà giải thích:
“Chúng ta không thể cho phép các quốc gia sử dụng vị thế thị trường của họ trong các nguyên liệu thô, công nghệ, hoặc sản phẩm then chốt, có năng lực phá vỡ nền kinh tế của chúng ta hoặc thực hiện các đòn bẩy địa chính trị không mong muốn.”
Chính quyền Biden cũng nhiều lần kêu gọi Trung Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga và đứng về phía các nền dân chủ phương Tây. Ông Joe Biden còn nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 11/4, việc mua thêm dầu của Nga sẽ không mang lại lợi ích cho Ấn Độ.
Ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho hay, Trung Quốc “kiên quyết phản đối” việc gắn mối quan hệ Trung-Nga với cuộc khủng hoảng Ukraine, và Bắc Kinh “cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình”.
“Trung Quốc phản đối tất cả các hình thức trừng phạt đơn phương và quyền tài phán dài hạn của Hoa Kỳ, đồng thời kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty và cá nhân Trung Quốc,”
ông nêu rõ trong một tuyên bố qua email.
Trong tương lai, bà Yellen cho rằng Trung Quốc và phương Tây sẽ ngày càng khó khăn trong việc tách biệt vấn đề kinh tế khỏi các mối quan tâm rộng lớn hơn về an ninh quốc gia.
Bà nhận định:
“Dù mục tiêu và chiến lược địa chính trị của Trung Quốc là gì, chúng tôi cũng không thể nào lý giải theo chiều hướng tích cực về cuộc xâm lược của Nga cũng như hậu quả của nó đối với trật tự quốc tế.”
Theo bà, Trung Quốc không thể mong đợi thế giới tôn trọng sự kêu gọi nào của Bắc Kinh về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trong tương lai nếu họ không tôn trọng các nguyên tắc này ở Ukraine.
Bà tiếp tục, việc Trung Quốc phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước và các hoạt động khác đã làm tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ, đồng thời cho biết việc duy trì mối quan hệ song phương hiện tại cần có những thay đổi và sự hợp tác từ Bắc Kinh.
“Tôi muốn thấy chúng ta duy trì những lợi ích của hội nhập kinh tế sâu rộng với Trung Quốc – không chuyển sang một thế giới lưỡng cực. Tôi tin rằng đó là mối nguy mà chúng tôi cần giải quyết,”
bà Janet Yellen lưu ý.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc áp dụng biện pháp nghiêm ngặt nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 sẽ gây ra một làn sóng gián đoạn chuỗi cung ứng mới, từ đó ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới.
Bà kêu gọi Hoa Kỳ nên chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia đối tác đáng tin cậy hơn, không có xung đột địa chính trị.
Theo đáng giá của của bà Yellen, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Biden kiên quyết giữ vững cam kết buộc Nga phải chịu trách nhiệm về “hành vi khủng khiếp” và vi phạm luật pháp quốc tế.
Nhận xét của bà Yellen được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các nước thành viên Ngân hàng Thế giới triệu tập Hội nghị Mùa xuân tại Washington vào tuần tới. Bà bà tin rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ là tâm điểm chú ý của mọi người.
Ngoài ra, bà Yellen còn có kế hoạch triệu tập các nhà lãnh đạo khác trong các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới để thảo luận về các giải pháp khả thi đối với tình trạng giá lương thực tăng đột biến đang tác động tiêu cực đến những người nghèo nhất trên thế giới.
Theo bà Yellen, các ngân hàng phát triển đa phương đang cung cấp tài chính cho việc tăng cường sản xuất thực phẩm nội địa, củng cố mạng lưới an toàn xã hội và kích hoạt tài trợ thương mại, tuy nhiên, cũng cần đầu tư dài hạn hơn để giải quyết những lỗ hổng cơ bản trong các hệ thống cung ứng thực phẩm.
Gần đây, không ít tổ chức đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng của thế giới như là một trong những hệ lụy lớn nhất của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Ông David Beasley, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra “một thảm họa hơn cả một thảm họa” và sẽ tác động đến toàn cầu “vượt xa bất kỳ điều gì chúng ta đã nhìn thấy kể từ Thế chiến II”. Tờ Foreign Policy đưa tin, các tác động dây chuyền của cuộc chiến này sẽ tàn phá các quốc gia dễ bị tổn thương như Afghanistan, nơi hàng triệu người không có đủ thức ăn và trẻ sơ sinh đang chết vì suy dinh dưỡng.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng cho biết, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, và 45 quốc gia kém phát triển nhất thế giới nhập khẩu ít nhất một phần ba lúa mì của họ từ Ukraine hoặc Nga.
Theo ước tính của FAO, cuộc chiến ở Ukraine có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8% – 20%. Bất kỳ sự gián đoạn nghiêm trọng nào đối với sản xuất và xuất khẩu từ Nga và Ukraine chắc chắn sẽ còn khiến giá cả leo thang. Nghiêm trọng hơn, điều này làm xói mòn an ninh lương thực cho hàng triệu người.
Minh Ngọc (T/h)
Thảm cảnh của Nga khiến ĐCSTQ “hạ cấp” quan hệ với Nga? Có phân tích chỉ ra dường như chính sách thân Nga của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có biểu hiện lung lay.