Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình đề nghị đánh thuế cao người sử dụng nhiều đất đai, để hoang hóa

Chia sẻ Facebook
09/12/2022 22:55:27

Với đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai, trường hợp để hoang hóa không sử dụng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay sẽ tiếp thu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: Gia Hân


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã thừa ủy quyền ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Hoàn thiện quy định việc sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại

Đối với việc thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về điều kiện, trình tự, thủ tục, tránh việc lợi dụng hoặc hiểu khác nhau khi triển khai.

Làm rõ có áp dụng thu hồi với dự án đô thị, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở.

Có ý kiến cho rằng thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu phục vụ cho lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản.

Vì vậy nên quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để đảm bảo công bằng với lĩnh vực khác...

Về nội dung này, cơ quan soạn thảo cho rằng dự thảo luật đã quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, vì vậy trong trường hợp này Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện.

Việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai, còn tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, nhằm điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

Đối với ý kiến quy định cho chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, dự thảo luật đã quy định.

Tuy nhiên nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau vì khi thực hiện đồng thời hai cơ chế sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện.

Đồng thời khó thực hiện chủ trương Nhà nước giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra như yêu cầu tại nghị quyết 18.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo luật theo hướng việc sử dụng đất để thực dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại có 2 nhóm gồm:

Dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở thì Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Việc thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất là phù hợp với chủ trương của nghị quyết 18 "giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất".

Trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại dự luật.

Các phương pháp định giá đất sẽ được quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành

Có ý kiến đại biểu đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế đối với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, đối với trường hợp để hoang hóa đất đai không sử dụng.

Về nội dung này, ban soạn thảo cho hay nghị quyết số 18 đã xác định "quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang".

Cơ quan soạn thảo xin tiếp thu ý kiến đại biểu, phối hợp với các cơ quan để thể chế trong pháp luật về thuế.

Cạnh đó, cơ quan soạn thảo cho hay đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật theo hướng làm rõ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu quy định các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Cạnh đó kế thừa các quy định của các Luật đất đai năm 2003, 2013, dự thảo luật đã quy định nguyên tắc định giá đất, việc xây dựng, áp dụng bảng giá đất, định giá đất cụ thể.

Các phương pháp định giá đất mang tính chuyên môn, kỹ thuật, chi tiết sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành.


Bảng giá đất cần được ban hành hằng năm

Về bảng giá đất, báo cáo cũng nêu rõ qua tổng kết thi hành Luật đất đai 2013 cho thấy việc ban hành giá đất 5 năm một lần, điều chỉnh khi có biến động 20% chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Cạnh đó, nghị quyết 18 xác định bỏ khung giá đất, có cơ chế phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Do vậy dự thảo quy định bảng giá đất cần phải được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường.

Chia sẻ Facebook