Bộ trưởng Tài chính chỉ ra "lỗ hổng" trong việc xác định giá trị sử dụng đất không chính xác gây thất thoát
Ngày 17/5, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp".
Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp; đại diện Ban Kinh tế Trung ương; Văn phòng Chính phủ; đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo 18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; các chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, bên cạnh việc đạt được những kết quả thực hiện cổ phần hóa, đến nay vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt, tiến độ triển khai chậm.
Cụ thể, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu ra một số tồn tại, hạn chế đáng chú ý như chậm tiến độ, không đạt mục tiêu đề ra, thu từ thoái vốn không đạt yêu cầu. Nhiều khả năng năm nay nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn sẽ không đạt mục tiêu khi việc cổ phần hóa, thoái vốn cũng đang rất chậm.
Theo Bộ trưởng, việc đổi mới, cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ các cơ chế chính sách về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Giải pháp tháo gỡ các nút thắt trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Đối với chính sách cho thuê đất, Bộ trưởng nhận định: "Việc tính giá trị một lần không sát giá thị trường; ngoài ra, dù có sát thị trường thì sau 10 năm, 20 năm, giá trị lại khác. Đây là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác".
"Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát, có thể "giết chết" hoạt động sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của doanh nghiệp thời gian qua còn chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí. Sau khi kiểm toán thì giá trị tăng lên nhiều lần, bình quân tăng 2,8 lần. Điều này cho thấy xác định giá trị doanh nghiệp chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.
"Nếu như thuê đất hàng năm, khi tái cơ cấu doanh nghiệp, doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá phải tăng năng lực lên để cạnh tranh. Nhưng vì chạy theo lợi nhuận, địa tô chênh lệch từ đất đai nên doanh nghiệp có thể giải tán công ty, đóng cửa sản xuất đẩy người lao động ra đường và máy móc thiết bị bán rẻ bán tháo", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2018, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 60 năm 2018 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác.
Nhưng đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140 sửa đổi chưa quy định rõ có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không, làm cho địa phương lúng túng khi triển khai.
"Đây cũng là vấn đề cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp", Bộ trưởng nhấn mạnh.