Bộ trưởng Pháp: Ukraine phải mất '15 hoặc 20 năm' nữa để gia nhập EU
Ngày 22-5, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho biết sẽ mất '15 hoặc 20 năm' để Ukraine chính thức trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).
"Chúng ta phải thành thật. Nếu nói Ukraine sẽ gia nhập EU trong 6 tháng hay 1-2 năm nữa, đó sẽ là nói dối. Chắc cần khoảng 15 hoặc 20 năm, điều này sẽ mất nhiều thời gian", ông Beaune nói.
Theo Hãng tin AFP, ông Beaune đã đưa ra câu trả lời thẳng thắn trên với Đài Radio J ngày 22-5.
Ông Beaune thành thật: "Tôi không muốn đưa ra cho người Ukraine bất kỳ ảo tưởng hay lời dối trá nào".
Vị bộ trưởng Pháp cũng nhắc lại đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tạo ra một "cộng đồng chính trị châu Âu" rộng hơn, để các quốc gia bên ngoài EU như Ukraine có thể chia sẻ "các giá trị cốt lõi của châu Âu".
Ngày 21-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối "những thỏa hiệp như vậy" và khẳng định cần lập tức bắt đầu quy trình đưa Ukraine trở thành thành viên chính thức của EU.
Về vấn đề này, ông Beaune cho biết đề xuất của ông Macron không phải là "một giải pháp thay thế cho việc gia nhập cộng đồng chính trị châu Âu hiện nay (tức EU). Việc này không ngăn cản việc tiến tới tư cách thành viên về sau".
Ông Beaune nói, theo kế hoạch của ông Macron, Ukraine "có thể được hưởng lợi từ ngân sách châu Âu để tái thiết và phục hồi đất nước, xã hội và nền kinh tế của mình".
Theo AFP, các nhà lãnh đạo EU khác cũng tỏ ra không mấy mặn mà với việc nhanh chóng chào đón Ukraine.
Sáng kiến "cộng đồng chính trị châu Âu" của ông Macron sẽ được tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng 6 tới.
Ngày 17-4, phó chánh Văn phòng tổng thống Ukraine, ông Ihor Zhovkva, cho biết Kiev đã hoàn tất bảng câu hỏi cần thiết để EU xem xét, quyết định về tư cách thành viên cho nước này.
Việc trở thành một thành viên EU có ý nghĩa rất lớn với Ukraine.
Một điều khoản trong hiệp ước EU nêu rõ nếu một thành viên trở thành đối tượng của hành động gây hấn có vũ trang, các quốc gia khác trong EU có nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng của họ.
Phát biểu trước Quốc hội Ukraine vào ngày 22-5, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói chỉ Ukraine mới có quyền quyết định tương lai của mình giữa bối cảnh 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga.