Bộ trưởng Nội vụ: Sắp xếp bộ máy tiết kiệm 25,600 tỷ đồng để tăng lương
Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sắp xếp bộ máy, giảm số xã huyện và một loạt đơn vị sự nghiệp, tinh giản biên chế giai đoạn 2019-2021 đã tiết kiệm hơn 25,600 tỷ đồng để cải cách tiền lương.
Bộ trưởng Nội vụ: Sắp xếp bộ máy tiết kiệm 25,600 tỷ đồng để tăng lương
Chiều 4/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc tinh giản biên chế tác động tới cải cách tiền lương thế nào? Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá "đây là câu hỏi rất hay".
Vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... Mục tiêu là cải cách bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Việc này giúp tăng nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương.
Giai đoạn 2019-2021, toàn quốc đã tiết kiệm hơn 25,600 tỷ đồng. "Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương", Bộ trưởng nói, cho biết tới đây tiếp tục việc này để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.
Liên quan đến tinh giản biên chế, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) băn khoăn về giải pháp thực hiện Quyết định 40 của Bộ Chính trị để giảm 5% cán bộ công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách trong giai đoạn 2022-2026.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành. Vừa qua, các cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan bộ, ngang bộ thuộc Chính phủ; cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính bên trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tới Trung ương...
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, bà Trà cho biết mục tiêu giảm 10% đầu mối từ trung ương tới địa phương với phương châm trung ương gương mẫu, địa phương cùng thực hiện. Số đơn vị sự nghiệp hiện còn 753, những đơn vị phục vụ quản lý Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ được giữ lại, còn lại rà soát để phân cấp.
Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, bà Trà cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã giám sát, bổ sung các quy định và ban hành nghị quyết. Đây là điều kiện để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn tới. "Giảm biên chế không còn cách nào khác phải cơ cấu và sắp xếp lại các tổ chức", Bộ trưởng Nội vụ nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó đoàn Đồng Tháp), việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách, không chuyên trách dôi dư và tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc, có nơi chưa làm xong. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp vì chuẩn bị thực hiện sắp xếp giai đoạn hai, dự kiến sẽ khó khăn hơn?", ông Hòa chất vấn.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã thời gian qua đã thành công, giảm được 8 đơn vị cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm hơn 400 cơ quan cấp huyện và 4,300 cơ quan cấp xã; giảm hơn 700 cán bộ công chức cấp huyện và 9,700 cán bộ công chức cấp xã. Qua đó giảm chi ngân sách hơn 2,000 tỷ đồng. "Đây là thành công lớn", bà Trà đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh một số vấn đề như cán bộ dôi dư, trụ sở một số nơi lãng phí chưa giải quyết xong. Theo bà Trà, từ nay đến hết năm 2025 sẽ giải quyết xong cán bộ dôi dư. Bộ Nội vụ đang rà soát để xây dựng chính sách tốt hơn trong sắp xếp cán bộ dôi dư, sắp xếp bộ máy. "Cảm ơn đại biểu Hòa có câu hỏi rất thời sự", bà Trà nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đã được Bộ Chính trị nêu trong Kết luận 14 ngày 22/9/2021. Ông đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết đã tham mưu, đề xuất gì cho Chính phủ để cụ thể hóa chủ trương lớn này, nhất là đối với những quy định có tính bắt buộc.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết đây là nội dung Bộ quan tâm rất sâu sắc. Chủ trương này cùng với chính sách trọng dụng nhân tài là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, được thể hiện rất rõ trong nghị quyết, văn kiện quan trọng. "Nhiều nước đã làm ra kỳ tích phát triển thông qua chính sách, chú trọng việc trọng dụng nhân tài", bà Trà nói.
Để cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị, Bộ nội vụ đã tham mưu ban hành Nghị định 140 từ năm 2018, thu hút được 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Một số địa phương rất chú trọng như Hà Nội, TP HCM , Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, thông qua HĐND có chính sách phù hợp để trọng dụng nhân tài. Ngoài ra, các địa phương đã thu hút được khoảng 3,000 cán bộ khoa học trẻ, sinh viên giỏi. Tuy nhiên, số lượng này "vẫn còn quá ít ỏi so với số người làm việc trong khu vực công".
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút trọng dụng nhân tài; có cơ chế chính sách để thu hút, hấp dẫn hơn, kèm theo khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, đại biểu Cao Mạnh Linh (chuyên trách Ủy ban Tư pháp) cho biết theo báo cáo của Bộ Nội vụ, việc này chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự gắn với quy hoạch và yêu cầu của vị trí việc làm. Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, cùng với việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm thì cần chuyển hình thức bồi dưỡng bắt buộc theo ngạch hiện nay sang bồi dưỡng theo chức danh vị trí việc làm.
"Cần hướng đến đào tạo, bồi dưỡng theo yêu cầu của cơ quan, người được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng mục đích nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này?", ông Linh nói.
Bộ trưởng Nội vụ thông tin, thời gian qua, việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo chức danh lãnh đạo, vị trí việc làm đã có nhiều đổi mới, cắt giảm tối đa các loại chứng chỉ không cần thiết. Điều đó cho thấy công tác này ngày càng đi vào thực chất. Thành quả đạt được là nhờ sự đồng tình của cử tri, của các ngành, các cấp. Việc đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường trong thời gian tới, đảm bảo chất lượng cán bộ công chức, viên chức.
Theo bà Trà, Bộ đang hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín của nước ngoài như Nhật Bản, Pháp để đào tạo cán bộ, hướng tới cán bộ trẻ chất lượng cho chính quyền địa phương. Bộ đã phân cấp triệt để công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề nghị các địa phương thực hiện đúng theo quy định để đảm bảo hiệu quả.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa về thực trạng nhiều cán bộ quản lý, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật thời gian qua, gây phản ứng trái chiều trong dư luận, Bộ trưởng Nội vụ thông tin, từ đầu năm đến nay, 56 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Cán bộ, đảng viên, công chức viên chức bị xử lý là 20,300, trong số này có cả xử lý hình sự. Tính trên tổng số cán bộ công chức, viên chức, tỷ lệ bị kỷ luật khoảng 1%.
Thời gian tới, các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần chỉnh đốn đảng, chống tham nhũng. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu ban hành quy định về đạo đức công vụ để siết chặt, đảm bảo đồng bộ quy định của Đảng với pháp luật nhà nước, để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững mạnh.
"Với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời chiều 4/11 của Bộ trưởng Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt", Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá.
Nhật Quang