Bộ trưởng nêu lý do khiến dự án đường sắt đô thị của TP.HCM chậm tiến độ

Chia sẻ Facebook
07/06/2022 00:55:55

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên đang được UBND TP.HCM phối hợp với các bộ trình Chính phủ điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý 4-2023.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể - Ảnh: DOÃN TẤN


Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về m ột số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là thành viên thứ 4 của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn vào ngày 9-6 tới.


Báo cáo của ông Thể đã nêu về 2 dự án đường sắt của TP.HCM đang triển khai. Cụ thể, với dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên do UBND TP quyết định đầu tư, quy mô. Tổng chiều dài của dự án là 19,7km (đi ngầm 2,6km; đi cao 17,1km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao và 1 depot).


Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, dự án chịu ả nh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Đồng thời, quá trình triển khai có một số vấn đề tồn tại trong thẩm định dự toán phát sinh, đàm phán, ký kết phụ lục hợp đồng; công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài; gói thầu tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.


Ngoài ra còn tồn tại trong cơ chế tài chính về vốn ODA cấp phát trung hạn cho dự án, năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc quản lý các dự án có công nghệ phức tạp, đan xen nhiều nguồn vốn còn hạn chế.


Bên cạnh đó, sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho hay UBND TP.HCM đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và bố trí bổ sung hết số vốn ODA cấp phát trung hạn 2021 - 2025 chưa được giao.


Đối với dự án đường sắt TP.HCM tuyến Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,042km (đi ngầm dài 9,091km; đi cao dài 1,951km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Đầu tư châu Âu.


Thời gian triển khai dự án từ 2011 - 2026, đến nay đã hoàn thành công tác thi công gói thầu CP1 "Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương", các gói thầu chính còn lại của dự án đang chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu.

Về tồn tại hạn chế của dự án, báo cáo chỉ rõ là ở quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và điều chỉnh cơ cấu tài chính vốn vay ODA của dự án cũng như cập nhật, điều chỉnh khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư của dự án trên cơ sở số vốn dư công tác giải phóng mặt bằng từ các quận để bổ sung đủ vốn cho công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vướng mắc (đến nay mới đạt 84,47%).

Ngoài ra, năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc quản lý các dự án có công nghệ phức tạp, đan xen nhiều nguồn vốn còn hạn chế.

Sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.

Báo cáo cũng nêu rõ, hiện UBND TP.HCM đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Kế hoạch và đầu tư điều chỉnh gia hạn thời gian giải ngân cho dự án, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.


Bộ Giao thông vận tải nêu rõ với vai trò là bộ quản lý chuyên ngành, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với thành phố, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra.

Sở Giao thông vận tải TP vừa có kiến nghị gửi Sở Quy hoạch - kiến trúc về rà soát, cập nhật quy hoạch phát triển giao thông vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

Chia sẻ Facebook