Bộ trưởng Lê Minh Hoan 'không thoái thác trách nhiệm'

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 01:54:05

Bày tỏ nỗi niềm sợ nhất câu hỏi "đến bao giờ" nêu tại Quốc hội, bộ trưởng Lê Minh Hoan "không thoái thác trách nhiệm" nhưng mong có sự vào cuộc, năng động của địa phương để khắc phục các khó khăn của ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: Quochoi.vn


Nhóm vấn đề được chất vấn ông Lê Minh Hoan trong lần đầu tiên đăng đàn gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.

Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành, bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Sẽ làm tốt thông tin thị trường để thúc đẩy xuất khẩu

07/06/2022 16:38 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên - Ảnh: Quochoi.vn


Thông tin thêm cho các đại biểu, bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho hay trong nền kinh tế thị trường, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hàng hóa, những gì đã làm thời gian qua chưa thấm tháp gì, bởi dù đã sang kinh tế thị trường nhưng vẫn mang tính tự cung tự cấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàng hóa chưa đạt chất lượng.

Ông Diên cho rằng hàng hóa của chúng ta hoàn toàn có thể bán ra thị trường thế giới, Việt Nam là thành viên 17 hiệp định FTA, nên thị trường rất rộng mở. Sản phẩm của ta đã vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… chứng tỏ những sản phẩm đi được đã đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Thời gian qua hai bộ đã chuyển đổi sản xuất hàng hóa quy mô lớn như khuyến cáo sản xuất theo tín hiệu thị trường, cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất, thường xuyên hàng tháng, hàng quý sản xuất cung cấp theo thị trường. Đàm phán và khai thác lợi thế các FTA, đưa các sản phẩm trái cây, vật nuôi vào thị trường các nước là vất vả, đấu nhau từng tí một, trong đàm phán công thức vui là "bia kèm lạc", họ chấp nhận ta phần này thì phải chấp nhận phần kia, thì thời gian qua đã chúng ta làm khá tốt.

"Thời gian tới để hàng hóa nông sản vào thế giới, chúng tôi cùng bộ nông nghiệp và các ngành làm tốt thông tin thị trường, định hướng sản xuất vùng trồng, vùng nuôi và địa phương, đẩy mạnh đàm phán để khai thác lợi thế 17 hiệp định FTA. Tháo gỡ thủ tục, thuận lợi hóa thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, giảm chi phí, triển khai đề án xuất khẩu theo đường chính ngạch, đề nghị các địa phương sớm có ý kiến. Xây dựng cơ chế khuyến khích xuất khẩu theo hướng chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng tính liên kết trong sản xuất", ông Diên nói.

Đối với vấn đề vật tư đầu vào tăng cao do hàng hóa, vật tư đầu vào ở nhiều nước tăng cao, đứt gẫy chuỗi cung ứng, ông Diên cho hay Bộ Công thương đã hỗ trợ như giảm tiền điện, giảm thuế phí với xăng dầu giúp giảm chi phí, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tăng cường hạn chế xuất khẩu.

Thời gian tới có thể nghiên cứu, điều chỉnh thuế nếu giá đầu vào, nguyên liệu tăng cao, sẽ sử dụng công cụ chính sách an sinh giúp cho những người yếu thế. Với ngư dân để hỗ trợ ra khơi bám biển, sẽ nghiên cứu chính sách an sinh…

Về vấn đề được mùa rớt giá, phải quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, tổ chức sản xuất, ông khẳng định Bộ sẽ tiếp tục thông tin thị trường, định hướng sản xuất, khai thác các FTA, tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung, tổ chức phân phối…

Ngành nông nghiệp đứng trước nhiều biến 07/06/2022 16:27 GMT+7


Đồng tình với đại biểu, ông Hoan cho rằng ngành nông nghiệp không đứng yên mà chủ động thích ứng với sự thay đổi. Tuy vậy, nền nông nghiệp đang đứng trước ba biến gồm biển đối khí hậu, biến đổi thị trường - có thị trường mở ra, có thị trường đóng lại cùng với cánh cửa hàng rào kỹ thuật, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới, không chỉ ăn no mà phải là sản phẩm sạch.

"Những yếu tố đó cần có khoảng thời gian để nâng cao năng lực sản xuất với nông nghiệp, khi một ngành chỉ đa phần sản xuất. Tôi hoàn toàn đồng ý và chia sẻ với ý kiến của đại biểu, cá nhân tôi cũng thấy chưa làm hết trách nhiệm, nhưng thông qua vấn đề của đại biểu chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời đại biểu sau", ông Hoan nói.

Trước phần tranh luận - hỏi đáp trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh rằng thị trường có nhiều biến, "nhưng cái bất biến là phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước về phân tích, dự báo, phát triển thị trường để thúc đẩy ngành".

Không nên để những hy vọng của người dân trở thành vô vọng

07/06/2022 16:22 GMT+7


Giơ biển tranh luận với bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai trao đổi lại việc bộ trưởng nói với những câu trả lời khi nào, bao giờ thì rất khó đưa ra những câu trả lời vì rất khó đưa ra kết quả.


"Đúng là thị trường khó xác định, nhiều biến động nhưng trên thực tế có các quy luật thị trường về cung cầu, cạnh tranh, giá trị và vai trò quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường là kiến tạo, xây dựng, định hướng, dự báo thị trường. Do đó, không thể nói khó xác định được kết quả và hiện nay xác định kết quả đầu ra là quy luật tiên tiến và quốc tế đang áp dụng", bà Mai nói.

"Đối với những câu hỏi khi nào, bao giờ, chúng tôi hy vọng sẽ có câu trả lời bởi đó không chỉ là câu trả lời mà là hy vọng. Không nên để những hy vọng của người dân trở thành vô vọng khi không có câu trả lời", bà Mai nêu.

07/06/2022 15:38 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ mời thêm các bộ trưởng Bộ Công thương, Tài nguyên - môi trường, Kế hoạch - đầu tư để “chia lửa” với bộ trưởng Lê Minh Hoan về các vấn đề như giá xăng dầu tăng cao, quy hoạch đất đai...

"Tôi không thoái thác trách nhiệm" 07/06/2022 15:04 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: Quochoi.vn


Trước câu hỏi của đại biểu về vấn đề tăng giá tác động đến ngành nông nghiệp và tình trạng "được mùa mất giá", bày tỏ nỗi niềm sợ nhất câu hỏi "đến bao giờ" được nêu tại Quốc hội, ông Hoan nói rằng đang điều hành theo nền kinh tế thị trường, và cũng không thoái thác trách nhiệm, nhưng nếu có sự vào cuộc, năng động của chính quyền địa phương sẽ quyết định việc xử lý những vấn đề trên nhanh hay chậm.

Dẫn chứng như câu chuyện vải thiều, cà rốt của Hải Dương, vải thiều của Bắc Giang, xoài của Sơn La… ông xúc động khi chính lãnh đạo địa phương đi giới thiệu sản phẩm. Dẫn lời lãnh đạo tỉnh Hải Dương là "đất đai có thể manh mún, nhưng tư duy không thể manh mún", ông Hoan cho rằng bản chất ngành nông nghiệp là rủi ro, có những yếu tố bất khả kháng, nhưng nếu dũng cảm, kiên trì, và những câu chuyện Hải Dương hay địa phương khác, đã bắt đầu kích hoạt được thị trường.

Từ chuyện thúc đẩy chế biến sản phẩm nông sản, ông Hoan cho rằng địa phương phải ngồi lại cùng doanh nghiệp, bằng niềm tin thị trường, liên kết giữa doanh nghiệp sẽ là bệ đỡ cho hàng nông sản vươn ra thị trường thế giới.

Đến bao giờ hết tình trạng được mùa mất giá? 07/06/2022 15:02 GMT+7


Đại biểu Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) đặt vấn đề tình trạng vật tư nông nghiệp tăng, điệp khúc được mùa mất giá, người dân loay hoay tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp không mới, và xưa nay được nói đến nhiều. Vậy đâu là điểm nghẽn và bao giờ khắc phục triệt để để nông nghiệp phát huy, tiềm năng, thế mạnh của mình?

Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) đặt vấn đề kim ngạch xuất khẩu nông sản trong những năm qua phát triển, trung bình mỗi năm đạt hơn 48 tỉ USD/năm. Tuy nhiên hàng xuất khẩu chủ xuất khẩu thô, 80% xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và 70% phụ thuộc vào một thị trường lớn, đầy rủi ro.

Ông Thi chất vấn biện pháp, chính sách nào để tăng tỉ lệ xuất khẩu hàng nông sản chế biến, cũng như tăng tỉ lệ xuất khẩu chính ngạch và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

ĐBSCL muốn 'hữu cơ' phải tổ chức lại sản xuất 07/06/2022 14:56 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói về việc dùng phân bón chiều 7-6 - Nguồn: THQH

Trả lời đại biểu Lưu Mai, bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết vấn đề an toàn của sản phẩm nông nghiệp đặt ra từ khóa XI tới nay, bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm của mình nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, hệ thống, trên dưới trong ngoài, vận động theo nền kinh tế thị trường chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính của bộ trưởng hay Chính phủ.

Vấn đề hữu cơ, không phải tất cả các quốc gia đều làm 100% nhưng hữu cơ hay không phải có độ an toàn về vệ sinh thực phẩm được kiểm chứng của xã hội, hệ thống phân phối để đánh giá chất lượng.

"Đáng tiếc đến giờ này chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá và đó là khuyết điểm của ngành nông nghiệp, trong đó có việc Bộ chưa chuẩn hóa các quy trình sản xuất dẫn đến chất lượng nông sản", ông Hoan nói.


Ông nêu lại nền nông nghiệp Việt Nam mang 3 lời nguyền "manh mún, nhỏ lẻ, tự phát". Ngay ở đồng bằng sông Cửu Long dù đất đai rộng lớn nhưng cũng thể hiện sự manh mún. Do đó, ông tha thiết đề nghị cần thay đổi tổ chức lại ngành hàng để tránh rủi ro.

Trả lời đại biểu Thái, bộ trưởng Hoan dẫn câu thơ: "Đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện" để nói về thực trạng nhiều năm nay ở ĐBSCL. Để thay đổi tập quán không phải điều dễ và sự quan hệ "chằng chịt" giữa các đại lý vật tư phân bón ở khắp ngõ ngách ĐBSCL đã tạo ra "khế ước ngầm" với bà con nông dân.

Bộ trưởng nêu các lý do và cho rằng phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại sản xuất, vận động bà con vào hợp tác xã. Bộ trưởng cho biết vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng" gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bộ trưởng nêu rõ, thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ…


"Sáng nay, Bộ đã triệu tập cuộc họp với các giám đốc Sở Nông nghiệp để bàn về nhiều vấn đề. Bộ thành lập Văn phòng điều phối 13 tỉnh ĐBSCL về nông nghiệp, liên tục tổ chức diễn đàn, mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc để dẫn dắt bà con thay đổi, liên tục tổ chức các diễn đàn mời các doanh nghiệp về phân bón, thuốc để cùng bà con thay đổi tư duy.

Bộ trưởng đã, đang làm gì để đưa nông nghiệp lên tầm cao mới?

07/06/2022 14:47 GMT+7


Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) chia sẻ trong thư ngỏ gửi cán bộ chủ chốt, bộ trưởng Lê Minh Hoan có nói "ngoài kia gió đang thổi, chúng ta mượn sức gió để đi xa, bay cao, hay chúng ta chững lại, chấp nhận để ngọn gió xô đẩy?".


"Bộ trưởng cũng từng phát biểu sẽ chung tay cho sứ mệnh đưa nền nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới. Định hướng đổi mới nào đã, đang được Bộ trưởng thực hiện để đưa nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới?", đ ại biểu Mai cũng chất vấn đến khi nào người dân Việt Nam có thể yên tâm về tính an toàn của sản phẩmnông nghiệp, khi nào Việt Nam viết tên mình trên bản đồ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của thế giới.


Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) băn khoăn về giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón tăng cao. Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo người dân sử dụng phân hữu cơ thay vô cơ. Tuy nhiên, tập quán sử dụng phân hữu cơ chủ yếu ở miền Bắc và Trung, đồng bằng sông Cửu Long chưa có thói quen này. Bộ đã và sẽ làm gì để khuyến khích sử dụng phân hữu cơ trên cánh đồng?

Ùn tắc nông sản xuất sang Trung Quốc là "trường hợp bất khả kháng"

07/06/2022 14:38 GMT+7


Trả lời, bộ trưởng Hoan chia sẻ với người nông dân trong bối cảnh thị trường đứt gẫy, khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Với tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc, các bộ ngành đã vào cuộc, hạn chế thấp nhất thiệt thòi cho nông dân, nhưng đây là trường hợp bất khả kháng do giữa hai bên có cách thức kiểm soát dịch khác nhau, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính trong khi ta quen tư duy đây là thị trường dễ tính.


"Khi nước bạn thay đổi yêu cầu về thị trường, nhưng ta lại chậm thông tin cho người dân biết, dù đã có nhiều truyền thông, tư vấn song 14 triệu hộ nông dân này sao mà truyền thông hết được", ông Hoan nói chỉ có thể tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy nông nghiệp.


Ông cho biết Bộ Nông nghiệp đang phối hợp Bộ Ngoại giao xây dựng đề án chuyển đổi hàng hóa từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Để chuẩn hóa hàng hóa đi sâu vào thị trường cấp cao Trung Quốc, cần chuẩn hóa lại sản phẩm, thương hiệu nông sản mới được nâng cao.


Ông cũng cho rằng cần phân biệt giữa thương hiệu nông sản với nhãn hiệu. Thương hiệu gồm niềm tin người tiêu dùng và chất lượng sản phẩm.


Với vấn đề nguyên liệu phụ thuộc vào nhập khẩu, từ phân, thuốc, chế biến thức ăn, ông Hoan nói do đang sống trong cơ chế thị trường, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính đến nguyên liệu và đầu vào thị trường.

Ngoài vấn đề giá, ông cho biết người nông dân đã tự chủ được vấn đề phế phẩm trong nông nghiệp, về lâu dài giúp hữu cơ hóa, sinh học hóa trong ngành nông nghiệp.

"Tôi tha thiết mong 14 hộ triệu nông dân vào kinh tế tập thể, vào hợp tác xã. Vì nếu ta canh tác khối lượng càng lớn, sẽ giảm chi phí đầu vào, giảm giá khi sản xuất tập thể, sẽ ít đối mặt rủi ro và bất ổn thị trường, nâng cao chất lượng nông sản", ông Hoan nói.

Về câu chuyện được mùa mất giá, ông cho rằng đó là "lời nguyền", là quy luật kinh tế, cần khống chế như khi dư thừa thì trữ lại, chế biến, giảm lượng đưa ra thị trường.

Hai là chuẩn hóa nông sản, xây dựng tiêu chuẩn và nông sản, nhưng hiện nay ta còn dễ dãi trong chuẩn hóa nông sản, tổ chức sản xuất về ngành hàng, thông tin minh bạch. Hiện nay việc này làm chưa thành công dẫn tới ngành đối mặt với rủi ro, không đồng nhất nguyên liệu nên không thể xây dựng được nguyên liệu. "Bộ nhận trách nhiệm về vấn đề này", ông Hoan nói.

Làm gì giải quyết việc ùn ứ hàng nông sản? 07/06/2022 14:33 GMT+7


Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đặt vấn đề ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu phía Bắc do phía Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu nông sản, đòi hỏi chất lượng cao hơn. Ông Công chất vấn về giải pháp của Bộ NN&PTNT trong việc giúp người nông dân nâng cao giá trị nông sản, thương hiệu nông sản, từ đó tạo ra nền sản xuất nông nghiệp bền vững.


Đại biểu Dương Khắc Mai ( Đắk Nông ) cũng chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng dù sản xuất nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập và đời sống người nông dân và người làm nông nghiệp chưa cao, điệp khúc ùn ứ nông sản, được mùa mất giá... lâu nay chưa đến hồi kết.


Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nói người nông dân đang khổ vì nạn phân bón giả, kém chất lượng, hỏi giải pháp nào để ngăn chặn vấn nạn này.

07/06/2022 14:19 GMT+7

Phát biểu mở đầu phần trả lời chất vấn, bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định một lần nữa vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường và phiên chất vấn ngay sau khi Hội nghị trung ương 5 thảo luận về tam nông.


Ông nêu rõ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn với các bước đi cụ thể, phù hợp từng giai đoạn, còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống. Ông nêu rõ, chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp trung ương nhưng tổ chức thực hiện từ cơ sở nên cần sự phối hợp, tư duy hệ thống.

Chia sẻ Facebook