Bộ trưởng KH&ĐT: Tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II

Chia sẻ Facebook
03/06/2023 23:43:52

Sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, thu hút FDI, thị trường BĐS chuyển biến bước đầu, có thể là tín hiệu tích cực tạo đà cho sự phục hồi trong thời gian tới.

Sáng 3/6, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 về tình hình kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.


Báo cáo gửi Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sản xuất, kinh doanh trong tháng 5 cải thiện. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 2,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022 và tính chung 5 tháng tăng 12,6%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 48% dự toán, trong đó thu nội địa đạt hơn 48% dự toán. Cán cân thương mại 5 tháng ước xuất siêu gần 10 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ.

“Tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn trong quý II”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp.

Cũng theo Bộ trưởng, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,5% năm. nay và 6,6% vào 2024.

ADB dự báo GDP đạt mức 6,5% năm nay và tăng lên 6,8% vào năm sau. Còn IMF dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng lần lượt 5,8% và 6,9% trong 2023-2024, nằm trong nhóm dẫn đầu châu Á.

Thời gian tới Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sản xuất - kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%), kéo dài xu hướng giảm từ đầu năm. Trong đó, IIP công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,9%). Một số ngành công nghiệp chủ lực, như dệt may, điện thoại, điện tử, chế biến gỗ, ô tô tiếp tục giảm.

Đầu tư xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy đã có tín hiệu phục hồi, nhưng còn chậm. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi nhẹ trong tháng 5 nhưng lũy kế 5 tháng vẫn giảm gần 15% so với cùng kỳ.

Nhập khẩu tư liệu sản xuất 5 tháng giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại.

5 tháng có hơn 88.000 đơn vị rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ, nhưng cũng có khoảng 95.000 doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, cho thấy có dấu hiệu tích cực.

"Những vấn đề doanh nghiệp, nền kinh tế hiện nay rất khác biệt so với giai đoạn 2008-2013", Bộ trưởng nhận xét.

Doanh nghiệp đang gặp vấn đề lớn trong việc khó tiếp cận vốn vay.

Ba khó khăn lớn nhất là về dòng tiền, khả năng tiếp cận vốn vay; thị trường và thủ tục hành chính. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn được Chính phủ đưa ra, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần có các giải pháp tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương, nhất là phối hợp giữa chính sách tài khóa tiền tệ và thương mại.

Vì vậy, cơ quan này đã kiến nghị các giải pháp trọng tâm, bao gồm tập trung theo dõi tình hình thế giới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ nguồn thu, triệt để tiết kiệm chi; sớm đề xuất chính sách tài khóa, giảm thuế, phí, gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng và tạo thuận lợi các thủ tục xuất nhập khẩu.

Bộ này cũng cần đề xuất giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm vướng mắc, hạn chế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước điều hành, giảm mặt bằng lãi suất; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, tỉ giá và rà soát các gói tín dụng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị cụ thể phương án sửa đổi, thay thế, bãi bỏ và sửa đổi cơ chế, chính sách thu hút FDI .

Chia sẻ Facebook