Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Vẫn cần nhà nước can thiệp để giảm giá xăng dầu

Chia sẻ Facebook
09/06/2022 01:55:35

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 8-6: Xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá nên lúc nào đó nhà nước phải can thiệp để giảm giá. Việc này sẽ có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Hồ Đức Phớc sẽ trả lời về tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính;

Công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội.

Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường;

Giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.

Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.


Các Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, bộ trưởng các bộ Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Lao động - thương binh và xã hội, Thông tin và truyền thông, Công an, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng Thanh tra Chính phủ, tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

08/06/2022 11:33 GMT+7

Trả lời về nội dung nhiều quan chức, trọng tài, giám sát quốc tế cũng như Việt Nam chưa nhận được chế độ cho dù SEA Games đã kết thúc hơn nửa tháng được đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) nêu, Bộ trưởng Phớc nói đã phân bổ đủ 750 tỉ đồng mà Quốc hội giao đầu năm cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và "lấy tiền lúc nào cũng được".

"Phân bổ hết luôn chứ không giữ lại bất cứ đồng nào", ông Phớc nói và cho hay, nêu có vấn đề gì phát sinh ngoài 750 tỉ đồng thì Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch báo cáo Chính phủ để Bộ Tài chính tham mưu, xử lý.

Về kho bạc, Bộ đã quy định thanh toán không quá một ngày và thực hiện 3 không là không tiếp xúc, không giấy tờ, không tiền mặt. Với thanh toán đầu tư xây dựng cơ bản sẽ thanh toán nhanh nhất 1 ngày, chậm nhất 3 ngày và nếu chưa đủ thủ tục phải trả hồ sơ ngay, không giữ hồ sơ.

"Còn vướng mắc ở đây đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch trao đổi với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết", ông Phớc nêu.

08/06/2022 11:06 GMT+7

Giải trình thêm về vấn đề giá sách giáo khoa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ông đã trao đổi về việc này.

Ông nói thời gian sắp tới, nhanh nhất, gần nhất Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội để có được giải pháp ổn định, lâu dài về giá sách giáo khoa.

Bộ cũng đang tích cực soạn thông tư mới về quy cách, quy chuẩn của sách trong tình hình hiện nay và sẽ tác động vào giá sách.

Đối với việc yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, các khâu trung gian, giảm chi phí phát hành… đã và đang được Bộ làm nhưng sẽ thực hiện với Nhà xuất bản giáo dục là đơn vị thuộc Bộ. Song hiện nay có tới 5 đơn vị đang biên soạn, xuất bản sách giáo khoa nên với các đơn vị khác việc chỉ đạo, tác động sẽ khó khăn hơn.

Ngoài sách giáo khoa, theo ông Sơn, có nơi có trình trạng bán kèm sách tham khảo, bài tập. Về việc này Bộ đã có thông tư quy định về xuất bản phẩm trong trường học và nghiêm cấm hiệu trưởng, giáo viên ép buộc, gợi ý phụ huynh mua các sách không thuộc danh mục. Danh mục sách giáo khoa đã rất rõ ràng nên ông Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương giúp kiểm soát tại các trường học, tránh gây bức xúc dư luận.

Sẽ sửa quy định không miễn, giảm thuế cho xe tặng, cho

08/06/2022 10:45 GMT+7


Bấm nút tranh luận, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nêu về vấn đề đóng thuế đối với xe tặng cho, nhất xe sang, do bộ trưởng trả lời chưa đầy đủ.

Theo bà Châu, qua đợt đại dịch COVID-19, TP.HCM nhận nhiều xe cấp cứu, cứu thương do các doanh nghiệp nhập từ nước ngoài tặng. Lúc đó, TP.HCM có xin ý kiến bộ, ngành về miễn, giảm thuế cho các xe này nhưng không được đồng ý. Trong khi một số doanh nghiệp chắt chiu tiền để hỗ trợ phòng chống dịch, lý ra phải được miễn, giảm thuế thì phải đóng thêm khoản này.

Ví dụ có xe tặng Bệnh viện Nhân dân 115 có giá 5 tỉ đồng, doanh nghiệp phải đóng thêm hơn 600 triệu đồng để tăng bệnh viện. Bà Châu đề nghị sửa đổi đưa quy địch miễn, giảm thuế cho hàng tăng, cho trong trường hợp khẩn cấp, cấp bách, dịch bệnh.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho biết theo quy định hiện nay không miễn, giảm thuế cho xe tặng, cho. Bộ Tài chính là cơ quan thực hành thì phải thưc hiện đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, ông Phước cho biết quy định không phù hợp với một số tình huống thực tiễn, cho nên sắp tới đương nhiên phải sửa.

Lúc nào đó nhà nước sẽ phải can thiệp để giảm giá xăng dầu 08/06/2022 10:27 GMT+7 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói về giá xăng dầu sáng 8-6 - Nguồn: THQH

Sẽ nghiên cứu giảm thuế với xăng dầu 08/06/2022 10:14 GMT+7


Với vấn đề giảm thuế xăng dầu, ông Hồ Đức Phớc cho biết sẽ đánh giá tác động để trình với Thường vụ Quốc hội để giảm thuế, giảm giá xăng dầu. Song ông lưu ý nếu giảm thuế mà để buôn lậu, thì dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài.


Đồng thời nâng cao năng lực cung cầu, tìm nguồn cung, xem các công ty đầu mối mua ở đâu và đẩy mạnh sản xuất trong nước. Hiện nay nhu cầu là 21 triệu tấn/năm, sản xuất trong nước là 11 triệu tấn và nhập khẩu 10 triệu tấn. Tuy nhiên, nhà máy Nghi Sơn sản lượng rất nên phải có biện pháp đẩy nhanh hơn.


"Chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu tham mưu cho Chính phủ kiến nghị Thường vụ Quốc hội để giảm thuế với xăng dầu", ông Phớc nói.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng rà soát lại các loại thuế phí, đâu thuộc trách nhiệm Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Ông đặt câu hỏi biểu thuế xuất nhập khẩu thuộc trách nhiệm của ai, nên cần phải chủ động rà soát.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tranh luận chưa đồng ý việc Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về giá xăng dầu. Theo ông Thân, nếu can thiệp nhiều vào giá xăng dầu quá nhiều sẽ không đúng giá thị trường. Đại biểu cho rằng nên để giá xăng dầu tăng giảm tự nhiên theo giá thế giới, can thiệp đúng mức, chứ không cố gắng để giảm giá xuống thấp nhất.

Trả lời đại biểu Nguyễn Văn Thân, ông Phớc nói xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá nên lúc nào đó nhà nước phải can thiệp vào để giảm giá xăng dầu. Việc giảm giá xăng dầu sẽ có lợi ích giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, cạnh tranh, giải quyết lao động, từ đó, tích lũy cho nền kinh tế và khi đó sẽ được thu thuế thông qua tăng giá trị gia tăng của nền kinh tế...

Ông nói, đây là một giải pháp, tuy nhiên, giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.


Chủ tịch Quốc hội sau đó nhận định v ề vấn đề giá cơ sở xăng dầu, không chỉ có vấn đề thuế, phí mà còn chi phí định mức, lợi nhuận định mức…

Quốc hội sẽ quyết định có đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá

08/06/2022 10:10 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: Quochoi.vn


Trả lời câu hỏi về vấn đề giá sách giáo khoa của đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương), Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay giá sách giáo khoa không phải mặt hàng nhà nước định giá mà được doanh nghiệp thực hiện.

Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách Nhà nước còn mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn mua chỗ nào tốt nhất, giá rẻ nhất với tinh thần niêm yết giá công khai, minh bạch.

Về ý kiến đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo Luật giá, theo ông Phớc đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội còn việc đề xuất của các Bộ tham mưu cho Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Về Luật giá, ông Phớc nêu đang sửa theo lộ trình các kỳ họp tới. Về phía Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT đã có trao đổi, làm việc thống nhất đề xuất Chính phủ đưa sách giáo khoa vào Luật giá còn được hay không sẽ do Quốc hội quyết định.


Bấm nút tranh luận, đại biểu Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) nói hơn 2 năm về trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Cử tri mong muốn Bộ Tài chính chỉ rõ khó khăn gì mà chưa làm được việc này? Và đến khi nào giá sách giáo khoa có giá hài hòa, phù hợp lợi ích cả doanh nghiệp, phụ huynh?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng tranh luận cho rằng không chỉ bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, mà cần phải đưa các loại mặt hàng khác thiết yếu liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân vào. Ví dụ bộ kit test COVID-19 thời gian qua, nếu Bộ Tài chính tham gia sâu vào việc định giá thì bộ kit test này sẽ không tăng giá như thời gian trong dịch.

Trả lời về ý kiến tranh luận của đại biểu Quỳnh Dao, Bộ trưởng Phớc cho hay văn bản đại biểu gửi cho Bộ Tài chính từ năm 2020 và cá nhân ông chưa nhận được ý kiến nào liên quan vấn đề này còn 100% ý kiến của đại biểu đều được trả lời đúng hạn, đúng địa chỉ, trách nhiệm của Bộ trưởng ký, trả lời, rất nghiêm túc.


Ông nêu khi đưa sách giáo khoa vào Luật giá thì mới có cơ sở để nhà nước bù giá, duyệt giá. Còn không chỉ được quyết định ở vấn đề khung giá và khi doanh nghiệp kê khai đúng khung giá thì Bộ chủ quản chỉ có thể chỉ đạo họ làm thế nào để tiết giảm chi phí, giúp giảm giá thành thì các em học sinh được nhờ.

08/06/2022 09:50 GMT+7

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nêu 5 trách nhiệm trong hoạt động đấu giá tài sản, vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong thực hiện 5 trách nhiệm trên như thế nào?

Trả lời, ông Phớc cho hay Bộ Tư pháp quy định về quy chế đấu giá, còn theo quy định sử dụng tài sản công, thực hiện theo đúng chức năng đã được luật quy định về giá khởi điểm, như với đất đai thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và môi trường…

"Quá trình thực hiện vừa qua thú thực chúng tôi cũng chưa làm được nhiều. Việc thực hiện công tác chuẩn bị do UBND tỉnh làm, nhưng khi tổ chức lại do trung tâm đấu giá thuộc Bộ Tư pháp làm, khi có vi phạm pháp luật hình sự thì cơ quan điều tra xử lý. Ta quan tâm nhiều đấu giá khi vừa ra xảy ra nhiều vụ tạo nên sự bất thường với giá cả", ông Phớc nói.

Nóng câu hỏi về trách nhiệm kiểm soát giá sách giáo khoa

08/06/2022 09:49 GMT+7


Nhắc lại ý kiến liên quan đến tình trạng tiêu cực giữa thẩm định viên với các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong các dự án, đấu giá, đấu thầu dự án công để đẩy giá, dìm giá, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đặt câu hỏi tới Bộ Tài chính với vai trò được giao nhiệm vụ là cơ quan thẩm định giá về tình trạng vi phạm thẩm định giá thời gian qua và biện pháp chấn chỉnh.

Nêu câu hỏi về giá sách giáo khoa khi doanh nghiệp được xác định giá và kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính chứ không phải là Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Câu hỏi đặt ra là Bộ Tài chính có chia sẻ gì về vai trò trách nhiệm của thẩm định giá với sách giao khoa?

Cũng quan tâm về giá sách giáo khoa, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho hay hơn 2 năm về trước Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Đại biểu đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và khi nào hoàn thành để người dân yên tâm vào trong bối cảnh sắp vào năm học mới?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nam (Hải Dương) thì đặt câu hỏi về giá xăng dầu đang ở mức cao, và có nhiều ý kiến là nhà nước cần có biện pháp giảm thuế để giảm giá xăng dầu, quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

Chưa phát hiện thất thu thuế với xe biếu tặng 08/06/2022 09:22 GMT+7

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói về việc thu thuế đối với xe biếu tặng sáng 8-6 - Nguồn: THQH


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hồng Nguyên (Bình Thuận) về việc xe biếu tặng có trốn thuế không, bộ trưởng Phớc nói các hãng xe phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe, tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít nên không có đại lý, là xe đặc thù nên lợi dụng lỗ hổng này các doanh nghiệp chuyển sang biếu tặng.


Theo quy định hiện hành xe biếu tặng không được giảm, miễn bất cứ loại thuế nào kể cả thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập. Ông nêu, thời gian vừa qua báo chí có phản ánh và Bộ đã tổ chức kiểm tra và đúng, khi kê khai, doanh nghiệp kê khai giá thấp nhưng cơ quan hải quan đã căn cứ vào quy định hải quan đối với bảng thuế các loại xe để xác định lại xe biếu tặng để truy thu thuế.

Ông nói thêm khi báo chí nêu, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra. Bộ Tài chính đã giao cho Tổng Cục hải quan làm việc với C03 - Bộ công an và tổ chức họp nhiều lần, kiểm tra. Đến hôm nay vẫn chưa có kết quả nhưng Bộ đã chỉ đạo các Cục thuế, Tổng cục hải quan chỉ đạo các Cục hải quan của địa phương kiểm tra, rà soát lại xem có thất thu thuế không và việc định giá xe có chính xác không.

"Hiện theo báo cáo của Tổng Cục hải quan không phát hiện thất thu thuế vì các loại thuế được nộp đầy đủ", ông Phớc nói.

Thất thoát đất đai từ cổ phần hóa do quy định còn bất cập

08/06/2022 09:13 GMT+7


Trả lời về vấn đề cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất, ông Phớc nói việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt của cổ phần hóa, gây chậm hoạt động này. Việc phê duyệt phương án của các tỉnh hiện nay chậm, nên cần hoàn thiện luật pháp.

Theo ông, việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, nếu tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nếu nộp tiền đất một lần được tính vào giá trị doanh nghiệp là lỗ hổng, cần được kiến tạo để đảm bảo sau khi chuyển sang cổ phần hóa để đất đai không bị thất thoát.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất không theo phương án đã phê duyệt là trái quy định của Luật Đất đai. Ông nói vừa rồi thất thoát rất nhiều thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ yếu từ đất như TCT nông nghiệp Sài Gòn, TCT Tân Thuận. Cốt lõi là chuyển quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khi UBND tỉnh phê duyệt là đất thuê, nhưng doanh nghiệp nộp tiền một lần 50 năm, nhưng khi chuyển đổi lại xin chuyển mục đích sử dụng đất, nên đất được tính giá khác và không sát giá thị trường nên tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước chuyển sang tài sản tư nhân.

Đất đai toàn dân do Nhà nước đại diện, nên khi doanh nghiệp nhà nước là đất thuê, nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho nhà nước, sau đó đất được tổ chức đấu giá để chênh lệch địa tô không chảy vào túi doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa nâng cao năng lực sản xuất chứ không phải giải tán doanh nghiệp, thu chênh lệch địa tô. Như thế cũng không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất có lợi thế thương mại để cổ phần hóa.


Chủ tịch Quốc hội sau đó nhắc nhở phần trả lời chưa đầy đủ, đặc biệt việc sửa đổi Nghị định 32 về thoái vốn, ông Phớc cho hay với Nghị định xác định lợi thế thương mại, đưa tiền thuê đất nộp tiền một lần vào xác định giá trị doanh nghiệp là chưa hợp lý. Vì theo ông đánh giá lợi thế thương mại là ước chừng thôi chứ không có tiêu chí chính xác. Do đó khi chuyển, đưa vào giá trị doanh nghiệp "hôm nay giá đất cho rằng cao, thì ngày mai là rẻ", nên ông Phớc cho biết tới đây sẽ sửa đổi vấn đề này.

Ông cũng cho rằng, nhà đất là tài sản nhà nước, khi chuyển sang thì phải có sự sắp xếp, nên trước khi cổ phần hóa phải sắp xếp, tình hợp lý và nhu cầu sử dụng.

Về hệ thống công nghệ thông tin của sàn giao dịch chứng khoán đảm bảo không bị nghẽn lệnh, ông Phớc cho biết đã ứng dụng công nghệ để mở rộng nới room từ 1 triệu lên 3 triệu, đảm bảo hệ thống thông tin của sàn không bị nghẽn mạch. Đồng thời có chuẩn bị hệ thống dự phòng, nếu bị ngắt mạch sẽ đưa hệ thống vào hoạt động thông suốt cho thị trường.

08/06/2022 09:09 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM): Việc rà soát phương án sắp xếp xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp… Bộ trưởng sẽ xử lý những vấn đề này như thế nào, giải pháp trong thời gian tới.

Việc một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn chưa triệt để, công tác cổ phần hóa, thoái vốn ở Bộ, ngành địa phương còn hạn chế, đặc biệt liên quan đất đai, dẫn đến làm thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Quan điểm của Bộ trưởng khi tham mưu với Chính phủ xử lý vấn đề này thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình): Đề nghị Bộ trưởng báo cáo giải trình về tính hợp lý khi gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào cổ phần, thoái vốn?

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang): Về thị trường chứng khoán.Tính đến nay tròn 10 năm chúng ta ký hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin để triển khai gói thầu vận hành gói thầu KRX nhưng đến nay chưa hoàn thành. Đề nghị bộ trưởng đưa ra cam kết cụ thể thời điểm có thể vận hành hệ thống này?


Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường báo cáo rõ vướng mắc khó khăn liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, trong đó là phương án sử dụng đất.

08/06/2022 08:51 GMT+7

Phát biểu mở đầu phần trả lời chất vấn, bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết những năm qua đã nỗ lực xây dựng các thể chế, chính sách, tạo mọi điều kiện cho tài chính nhà nước, doanh nghiệp, dân cư phát triển, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Các nghị định, thông tư tham mưu cho Chính phủ chiếm số lượng lớn.

Ông nói việc được chất vấn trên tinh thần rất cầu thị, lắng nghe các ý kiến của đại biểu. Với các ý kiến nắm được sẽ trả lời thẳng còn thuộc về chính sách, vấn đề cụ thể sẽ nghiên cứu, tiếp thu, trả lời bằng văn bản…

Chủ tịch Quốc hội cho biết có 79 đại biểu đăng ký chất vấn bộ trưởng Phớc.

Chia sẻ Facebook