Bộ trưởng đề xuất Huế làm đề án thí điểm giao di tích cho tư nhân quản lý, sử dụng
Giao di tích cho tư nhân quản lý, đó là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi làm việc chiều 20-4.
Chiều 20-4, đoàn công tác của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là buổi làm việc nhằm chuẩn bị cho quá trình xây dựng chương trình chấn hưng văn hóa của bộ sắp tới.
Ông Lê Trường Lưu - bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - nói rằng bên cạnh những thành tích mà tỉnh đã đạt được những năm qua thì vẫn còn đó nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích.
Theo đó, tiềm năng huy động nguồn lực xã hội hóa công tác bảo tồn, tu bổ và khai thác, phát huy giá trị di tích cố đô Huế là rất lớn. Tuy nhiên thực tế việc thu hút nguồn vốn tài trợ từ xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn.
"Tỉnh mong muốn có nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng một bảo tàng cổ vật với đầy đủ chức năng như lưu giữ, bảo quản… mà không có. Đặc biệt là câu chuyện hồi hương cổ vật từ nguồn xã hội hóa, chuyện về hai món cổ vật vừa trở về Việt Nam, theo chúng tôi đánh giá thì cổ vật chất lượng, bề dày lịch sử như thế trên thị trường còn rất nhiều", ông Lưu nói.
Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trung ương đầu tư các dự án trùng tu di tích thật sự cần thiết của quần thể di tích cố đô Huế.
Tỉnh cũng đề nghị bộ tiếp tục xem Festival Huế 2022 là một trong những hoạt động trọng điểm về văn hóa của quốc gia năm 2022.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận việc Thừa Thiên Huế đã định hình, làm rõ được 4 trụ cột lớn để phát triển. Đó là tập trung bảo vệ tôn tạo các di tích, di sản, phát huy giá trị văn hóa Huế; ưu tiên phát triển du lịch; hướng đến một nền công nghiệp và công nghệ thông tin theo hướng chất lượng cao; phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Hùng đề xuất lãnh đạo Thừa Thiên Huế xây dựng đề án thí điểm để huy động nguồn lực xã hội hóa trong vấn đề quản lý, sử dụng di tích theo hướng "di tích là của nhà nước, quản lý là của doanh nghiệp".
Đề án này nhằm giảm tải bớt áp lực về ngân sách và phát huy được giá trị của di sản, di tích.
"Tôi sẽ cùng lãnh đạo tỉnh đi gặp các bộ, ngành liên quan, thậm chí lên gặp Thủ tướng Chính phủ để trình bày vấn đề này", ông Hùng nói.
Liên quan đến Festival Huế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất việc giao cho các đơn vị doanh nghiệp tư nhân thực hiện, tổ chức thay vì lấy nguồn từ ngân sách nhà nước như hiện nay.
Ông Hùng lấy ví dụ cụ thể về trường hợp của lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng. Ban đầu lễ hội do nhà nước bỏ tiền ra tổ chức nhưng không đạt kỳ vọng. Sau đó lễ hội pháo hoa được giao cho một công ty tư nhân và trở thành lễ hội pháo hoa quốc tế.
"Tôi cũng đề nghị Huế phải làm rõ nội hàm của cụm từ "bản sắc văn hóa Huế". Phải có cấp có thẩm quyền làm cụm từ này, từ đó chúng ta mới hiểu và tập trung xây dựng môi trường văn hóa và phẩm chất tốt đẹp của con người Huế", ông Hùng nói.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cam kết sẽ duyệt chi cho tỉnh Thừa Thiên Huế 50 tỉ đồng trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích Văn miếu, cấp 50 tỉ cho công tác xây dựng, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM vừa được công bố công nhận các khu vực chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, hồ Con Rùa... là khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn.