Bộ trưởng Công Thương: Doanh nghiệp xăng dầu vơi nguồn tiền vì chứng khoán, bất động sản
Đó là nhận định được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu ở buổi thảo luận tổ của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Ngày 22-10, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình) khẳng định Việt Nam không thiếu xăng dầu.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương có cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá rất chi tiết về nguồn cung xăng dầu. Cụ thể, đến ngày 30-9, hàng dự trữ thương mại là hơn 2,55 triệu m3 xăng dầu; năng lực sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu trong tháng 10 đảm bảo 80% nguồn cung trong nước (1,7-1,75 triệu m3). Cộng với nguồn nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối, xăng dầu đảm bảo cho nhu cầu trong nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh nguồn cung không thiếu, nhưng doanh nghiệp phải mua giá cao. "Nhập giá cao ở kỳ trước, bán trong kỳ tới giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm" - ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Ngoài ra, hàng loạt chi phí từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi đều bất cập, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.
Tại thảo luận tổ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh quản lý và đảm bảo nguồn cung xăng dầu gồm 7 bộ ngành và địa phương cùng chịu trách nhiệm. Bộ Công Thương chỉ được giao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối tới thương nhân phân phối.
Đối với tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở các tỉnh, TP phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Tháng 8 vừa qua lực lượng chức năng bắt, xử lý một số vụ sản xuất, buôn xăng dầu lậu hàng trăm triệu lít.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như không quan tâm chuyện mua hàng của đầu mối một cách ổn định. "Hiện chúng tôi đang siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống nhưng nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ thì không ai làm" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Một vấn đề khác được đề cập trong phát biểu về xăng dầu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là "cơn lốc" chứng khoán. Theo Bộ trưởng, những doanh nghiệp làm xăng dầu đều ít nhiều có tham gia bất động sản, chứng khoán nên nguồn tiền bị vơi đi. Chính vì vậy, có thể đến kỳ nhập hàng, khi giá nhập lên cao, giá bán ra lại thấp thì doanh nghiệp không có nguồn tiền nhập. Cùng với đó, hạn mức tín dụng cũng ảnh hưởng đến hoạt động nhập hàng của doanh nghiệp xăng dầu.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết thêm trước đây các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh khu vực phía Nam có nhiều nguồn, cùng lúc ký với nhiều doanh nghiệp đầu mối. Nhưng vấn đề đặt ra là ký rồi lại không nhập, không mua trong thời gian dài nên doanh nghiệp đầu mối có quyền từ chối.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên, doanh nghiệp đầu mối như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không thiếu hàng, nhưng họ phải đảm bảo trong hệ thống của họ, đó là những đơn vị có hợp đồng thường xuyên.
Cũng theo lãnh đạo ngành công thương, Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành nhưng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần nghiên cứu sửa đổi. Bộ trưởng cho rằng nếu rút giấy phép thương nhân phân phối, đồng nghĩa sẽ chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiếm làm theo hướng nếu vi phạm thì lần thứ nhất phạt tiền, vi phạm lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 sẽ thu hồi giấy phép.