Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình Quốc hội dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi
Chiều 25-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước Quốc hội.
Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Về nội dung cơ bản của dự luật, theo ông Long, dự thảo q uy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đ iều dưỡng, h ộ sinh, k ỹ thuật y, d inh dưỡng, c ấp cứu viên ngoại viện.
Lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ.
Về quản lý người hành nghề trong dự án Luậ t, ông Long nói dự luật bỏ quy định đối tượng theo văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật năm 2009 và thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề.
Trên cơ sở chức danh nghề nghiệp được quy định trong luật, Chính phủ sẽ quy định văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh.
Bên cạnh đó bắt buộc phải đăng ký hành nghề trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị thời hạn là 5 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa.
Đối với quy định phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề , nếu sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, người hành nghề đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Không đạt đủ số điểm theo quy định sẽ phải cập nhật bổ sung hoặc phải kiểm tra đánh giá kiến thức để được gia hạn giấy phép hành nghề.
Bên cạnh đó sẽ không cấp mới giấy phép hành nghề cho đối tượng là y sĩ từ ngày 1-1-2025 nhưng vẫn cho phép y sĩ đã được cấp chứng chỉ hành nghề theo Luật năm 2009 tiếp tục hành nghề trọn đời.
Đồng thời lực lượng vũ trang tiếp tục được tuyển dụng, sử dụng y sĩ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang và của người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, theo ông Long, bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chia hệ thống khám bệnh, chữa bệnh này thành 3 cấp chăm sóc.
Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc sức khỏe ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát, đào tạo thực hành tổng quát; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu; đào tạo thực hành chuyên sâu.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo ông Long, dự luật thay đổi từ cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các nhóm yếu tố chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định sang cách tiếp cận giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố phát sinh như thuốc, sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, trang thiết bị y tế và các hàng hóa khác, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do các cơ sở và người hành nghề đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cung cấp và các chi phí khác...
Trình bày báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề đang có ý kiến khác nhau theo tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên Ủy ban Xã hội tán thành phương án Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề. Bởi lẽ, quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Theo chương trình, chiều mai (26-5) các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ và sang tuần sau sẽ thảo luận về dự án Luật này tại hội trường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trong dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi cần làm rõ khái niệm giá dịch vụ khám, chữa bệnh và bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về quản lý giá dịch vụ khám, chữa bệnh.