Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo gì về chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong mua sắm thiết bị y tế?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh, thành phố về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng và tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực y tế.
Theo báo cáo này, ngay sau kỳ họp thứ 2, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp, các cam kết đã đề ra tại phiên chất vấn về lĩnh vực y tế. Đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong nghị quyết 41.
Lập nhiều đoàn kiểm tra
Trong báo cáo, đề cập đến việc tăng cường quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế; chủ động kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc triển khai xét nghiệm COVID-19, bảo đảm đúng quy định về giá, bộ trưởng Bộ Y tế nêu "đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể và bộ đang tích cực triển khai thực hiện".
Theo đó, Bộ Y tế đã phối hợp với 2 bộ (Kế hoạch và đầu tư, Tài chính) ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu.
Cùng với đó, thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh, thành phố về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế; việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; p hòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và đầu cơ, tích trữ, nâng giá bất hợp lý đối với mặt hàng sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ cũng kiểm tra các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng dịch để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.
Ngoài ra, đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19.
Kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19 với cơ sở y tế tư nhân thế nào?
Về việc ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 với cơ sở y tế tư nhân , bộ trưởng Bộ Y tế cho hay hiện nay, tại điểm 5, điều 88 Luật khám bệnh chữa bệnh quy định "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh".
Để kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị sở y tế các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp cần thiết, sở y tế báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định.
Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
"Giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân", báo cáo nêu.
Bộ Y tế cho hay đến nay đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir và có 3 "ứng cử viên" vắc xin phòng COVID-19 là Nanocovax, Covivac và vắc xin chuyển giao công nghệ ARCT-154.
Cả ba ứng viên vắc xin COVID-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu để rà soát, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổ chức nghiệm thu và thẩm định đảm bảo khách quan, khoa học theo đúng quy định.
Chiều 16-5, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra tại Bộ Y tế.