Bộ trưởng Bộ TT&TT: Quản lý tối thiểu nhưng xử phạt nghiêm minh đối với dịch vụ OTT viễn thông
VietTimes – Cho rằng việc quản lý dịch vụ OTT viễn thông “phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định quan điểm "quản lý ở mức tối thiểu nhưng xử phạt thì nghiêm minh”.
Giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 22/6/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi cụ thể về quan điểm quản lý nhà nước đối với dịch vụ OTT viễn thông. Đây là các dịch vụ nhắn tin thoại giống như dịch vụ viễn thông cơ bản, nhưng được cung cấp bởi công nghệ Internet.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quan điểm của Bộ là quản lý dịch vụ không phụ thuộc vào công nghệ, nhưng dịch vụ OTT viễn thông thì không có hạ tầng, người dùng dễ thay đổi nhà cung cấp, do thủ tục đăng ký dịch vụ đơn giản, thị trường thì rất cạnh tranh vì nhiều nhà cung cấp. Do vậy, việc quản lý dịch vụ OTT viễn thông “phải mềm hơn dịch vụ viễn thông truyền thống”.
Bộ trưởng thông tin thêm rằng nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cách thức quản lý cần mềm hơn, nhẹ tay hơn, không phát sinh thêm nhiều chi phí tuân thủ cho nhà cung cấp dịch vụ.
Trong đó, quản lý cơ bản dựa trên những gì mà nhà cung ứng dịch vụ đã có để tránh phát sinh thêm chi phí tuân thủ. Quản lý sẽ không phân biệt nhà cung cấp dịch vụ lớn hay nhỏ, thu tiền hay không thu tiền, trong nước hay ngoài nước, vì quản lý đã ở mức tối thiểu thì không cần phân biệt.
Cơ quan quản lý sẽ yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải minh bạch thông tin đối với khách hàng về giá, về điều kiện hợp đồng, về chất lượng dịch vụ, nếu có. Đồng thời, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bảo mật thông tin của khách hàng, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu, khách hàng khi đăng ký sử dụng dịch vụ thì phải cung cấp thông tin như số điện thoại.
“Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ đã thực hiện việc đăng ký và xác thực thông qua số điện thoại. Do vậy, quy định này không làm phát sinh thêm chi phí” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực tế, đồng thời, cho biết sẽ báo cáo Chính phủ cân nhắc giảm nhẹ các điều kiện kinh doanh từ cấp phép đăng ký xuống hình thức thông báo.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đã thảo luận tại hội trường và tổng hợp ý kiến của nhiều cử tri, doanh nghiệp, cho rằng dự thảo Luật Viễn thông đã định nghĩa dịch vụ OTT là dịch vụ viễn thông cơ bản. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới phải tuân theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Bình đề nghị cân nhắc về các dịch vụ của doanh nghiệp OTT nước ngoài, vì có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và trao đổi thông tin.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không chồng chéo với các lĩnh vực khác, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin./.