Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tiếp tục cải tiến lĩnh vực thuế và hải quan

Chia sẻ Facebook
17/09/2022 19:11:13

Đậy là những nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính HỒ Đức Phớc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" sáng ngày 17/9.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Tiếp tục cải tiến lĩnh vực thuế và hải quan

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính luôn hỗ trợ hết mức cho nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả - Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá cao sự đóng góp của các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài trong thời gian qua đã đầu tư và kiến tạo sự phát triển ở Việt Nam. Bộ Tài chính luôn sát cánh với các nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết những vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đầu tư.

Bộ trưởng báo cáo 3 trụ cột chính: Chính sách ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Ngoài ra là công khai, minh bạch, công bằng trong quá trình đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong chính sách tài khóa.

Trong thời gian qua, về chính sách đầu tư và một số sắc thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định và tham mưu Chính phủ, Quốc hội sửa đổi các luật thuế phù hợp với tiến trình phát triển và xu thế của thời đại.

Ví dụ thuế thu nhập doanh nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã hạ mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 22%, đến nay còn 20%, và trong những lĩnh vực ưu đãi đầu tư thì thuế suất thậm chí xuống còn 10%.

Tùy theo đối tượng, thuế suất ưu đãi có thể còn 9% trong vòng 30 năm, hoặc miễn thuế 6 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 13 năm tiếp theo. Đây là một cơ chế rất ưu đãi.

Đối với dự án đầu tư thông thường, thời gian miễn thuế là 4 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp đối với thu nhập của doanh nghiệp thực hiện đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa và thực hiện trong địa bàn điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; miễn 4 năm hoặc giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa.

Thứ hai về thuế xuất nhập khẩu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 134, Nghị định 18 ưu đãi đầu tư và hưởng các chính sách miễn giảm thuế đúng quy định. Ngoài ra năm 2019, chúng tôi đã tham mưu ban hành Nghị định 126 hướng dẫn Luật Thuế, ưu đãi đối với doanh nghiệp ưu tiên theo hướng được hoàn thuế trước và kiểm tra sau. Đây cũng là một vấn đề giảm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp. Và được nộp thuế theo tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng trong tháng vào ngày 10 của tháng tiếp theo. Và doanh nghiệp ưu tiên của những nước có thỏa thuận công nhận lẫn nhau, đối với Việt Nam thì được áp dụng các biện pháp về ưu tiên hải quan và thủ tục thuế tại Việt Nam.

Về ưu đãi tiền thuê đất và thuê mặt nước, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định 46, Nghị định 135 và Nghị định 123 quy định ưu đãi. Chẳng hạn đối với khu kinh tế thì được ưu đãi 11 năm miễn nộp tiền thuê đất hay đối với khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn thì giảm miễn 15 năm đối với tiền thuê đất.

Thứ hai, Việt Nam đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan. Bộ trưởng cho biết đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Quyết định 508 năm 23/4/2022 về phê duyệt chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Bên cạnh đó, cũng đã tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế ở cấp độ 3, 4 trên Cổng thông tin quốc gia và đã triển khai nộp thuế, kê khai thuế điện tử. Như vậy, hệ thống kê khai thuế điện tử và hoàn thuế, nộp thuế cũng bằng điện tử có tỉ lệ doanh nghiệp tham gia kê khai lần lượt là 96.6%, 98.9% và 97.6%. Đây là kết quả rất tốt.

Trong lĩnh vực hải quan, Việt Nam đã áp dụng cơ chế một cửa ASEAN và tăng cường thực hiện thông quan bằng phương pháp quản lý hải quan theo hướng hiện đại.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong thông quan và hơn 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử, qua hệ thống tự động. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục sẽ cải tiến lĩnh vực thuế và hải quan một cách mạnh mẽ hơn nữa bằng hệ thống điện tử, kiểm soát bằng công nghệ AI và bằng trọng yếu rủi ro, tạo điều kiện minh bạch nhất và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Thứ ba là vấn đề hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp. Năm 2022, trong điều kiện rất khó khăn, đã tham mưu cho Chính phủ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đến 233 nghìn tỷ, ví dụ thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8%, 37 loại phí được miễn, thuế môi trường trong xăng dầu được miễn, được giảm và một số chính sách khác nữa. Như vậy, đã thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, kể cả hỗ trợ sản xuất, rất nhiều.

Bộ trưởng cho biết đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng quỹ vaccine thu được 10,500 tỷ, cùng với ngân sách nhà nước, thực hiện tiêm miễn phí cho toàn dây. Đây là một trong những thành công trong phòng chống dịch.

Ông chia sẻ cũng đã tham mưu Chính phủ đưa ra gói kích cầu 347,000 tỷ đồng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng trưởng cao, giải quyết công ăn việc làm, phục hồi sau đại dịch trong năm 2022 và 2023. Gói này rất hiệu quả, như hỗ trợ công nhân lao động thuê nhà, hỗ trợ 40,000 tỷ lãi suất 2% tiền vay cho doanh nghiệp hoặc là y tế cơ sở, giải quyết việc làm và tập trung cho cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống đường cao tốc. Năm nay phấn đấu hoàn thành 361 km đường cao tốc.

Trong vấn đề kiểm tra để đảm bảo môi trường đầu tư công khai minh bạch và hiệu quả, chúng tôi rất nỗ lực. Chẳng hạn thị trường chứng khoán đã giữ được ổn định và tính minh bạch. Liên tục kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo cho thị trường chứng khoán hết sức minh bạch, lành mạnh, để thúc đẩy huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế phát triển và hội nhập với nền kinh tế thế giới. Cam kết cùng các nhà đầu tư nước ngoài giải quyết những khó khăn, vướng mắc và phục vụ tốt nhất quá trình đầu tư và phát triển.

Với những kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài, như mở rộng khu kinh tế, khu công nghiệp hay xác định phương pháp định giá, tính thuế APA và một số kiến nghị khác, cũng đã ghi nhận. Bộ trưởng cho biết sẽ làm việc với các hiệp hội, các nhà đầu tư để giải thích, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.

Về vấn đề đánh thuế 2 lần, Bộ Tài chính chấp hành sự lãnh đạo của Chính phủ, luôn tôn trọng và chấp hành việc không đánh thuế 2 lần. Để chống chuyển giá, các doanh nghiệp muốn xác định APA, trong Luật Quản lý thuế 38 năm 2019 đã quy định rất rõ. Và trong Nghị định 126 và Thông tư 45 đã ban hành cũng có quy định rõ về vấn đề xác định tính thuế APA. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm việc với các hiệp hội. Cơ bản là phải thống nhất cơ sở dữ liệu thương mại để kiểm chứng tính pháp lý. Đây là vấn đề đang xung đột giữa hai bên nhưng Bộ trưởng cho biết sẽ làm việc để giải quyết.

Về mở rộng khu công nghiệp, luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật. Khi dự án đầu tư được cấp phép đầu tư thì thực hiện những chính sách ưu đãi một cách nhất quán. Khi luật mới ra đời mà những giấy phép đang còn hiệu lực thì vẫn thực hiện theo quy định cũ. Giấy phép mới thì đương nhiên phải thực hiện theo quy định của Luật đã sửa đổi. Như vậy thực hiện rất nhất quán các chính sách của Việt Nam liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, có thể sửa đổi giấy phép đầu tư bằng cách mở rộng các khu công nghiệp nhưng nếu không đúng quy trình, thủ tục và quy định pháp luật thì đương nhiên sẽ không được thực hiện các ưu đãi đầu tư. Bộ trưởng khẳng định sẽ làm việc với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để giải thích đúng và thực thi đúng pháp luật. Bộ Tài chính luôn hỗ trợ hết mức cho nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Hàn Đông

Chia sẻ Facebook