Bộ trưởng Bộ Tài chính: Giao đất cần "tiền trao cháo múc"
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh quan điểm khi nộp tiền thì mới giao đất để tránh trường hợp thất thoát ngân sách cũng như gây thiệt thòi cho người dân.
Sáng 18/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt năm 2022, với phiên hội thảo chuyên đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội".
Chỉ một quyết định hành chính, hàng trăm, nghìn tỷ có thể mất đi
Cho ý kiến tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tập trung vào các vấn đề lớn của tài chính đất đai.
Đầu tiên, Bộ trưởng cho rằng việc chuyển mục đích chuyển đổi sử dụng đất đang là "lỗ hổng" vô cùng lớn. Điều này tạo nên thất thoát lớn về địa tô chênh lệch, từ đây tạo ra nhiều sai phạm. Do đó, ông Phớc nhấn mạnh việc quản lý mục đích sử dụng đất phải hết sức chặt chẽ.
"Đất của anh là nhằm mục đích cho thuê thì chỉ thực hiện để phát triển sản xuất kinh doanh trên mục đích cho thuê. Khi không còn nhu cầu sử dụng nhà nước phải thu hồi lại để đấu giá hoặc chuyển cho các cơ quan khác sử dụng một cách hiệu quả hơn. Điều này sẽ tạo ra nguồn lực cho các nền kinh tế phát triển", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
Theo ông Phớc, ví dụ như doanh nghiệp sau cổ phần hoá hay nhìn vào các khu đất "vàng" để lấy các khu đất ấy và chuyển mục đích sử dụng để sử dụng vào mục đích thương mại hay đất ở. Chính điều này khiến địa tô chênh lệch thất thoát từ nhà nước qua chủ sử dụng đất.
"Chỉ một quyết định hành chính, hàng trăm, nghìn tỷ có thể mất đi. Do đó cần phải bịt "lỗ hổng" này", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 2, ông Phớc cho rằng việc xác định giá hiện chúng ta đang áp dụng 5 phương pháp nhưng các phương pháp này chưa thật sự nhất quán và chính xác, khiến tạo ra một số lỗ hổng.
Ví dụ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay đa số sử dụng phương pháp thặng dư. Tuy nhiên theo ông Phớc đây là phương pháp không chính xác bởi giá trị doanh thu và chi phí đầu tư đều giả định. Mà khi đã giả định thường không chính xác, điều này gây ra rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như bản thân làm cơ quan nhà nước.
"Sắp tới chúng ta phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để định ra phương pháp xác định giá đất một cách chính xác, nhất quán nhất", Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất.
" T iền trao cháo múc"
Giao đất là vấn đề thứ 3 được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề cập. Theo Bộ trưởng, lâu nay chúng ta xem đất đai như thu thuế. Tức thời điểm xác định giá đất là thời điểm giao đất nhưng không biết tại thời điểm giao đất đến thời điểm xác định giá đất là 1 tháng, 6 tháng hay 1 năm thì không quy định.
Bộ trưởng cho rằng phải quy định xác định giá định giá đất trước thời điểm giao đất. Thời điểm xác định giá đất đến thời thời điểm giao đất không quá 6 tháng mới mới đảm bảo độ chính xác.
"Khi nộp tiền vào ngân sách mới giao đất. Như ông cha thường nói "tiền trao cháo múc", mình bán tài sản ra thì phải thu tiền. Nếu bán ra mà cho nợ, đến khi họ bán cho người thứ 3 thì nợ rất khó để thu hồi. Vấn đề này liên quan đến hàng nghìn, hàng vạn người dân đã đóng tiền mua nhà, hay mua đất sau này không được giải quyết. Đây là hiện tượng sai phạm phổ biến đã xảy ra tại nhiều dự án đô thị mà chúng ta chưa khắc phục được", ông Phớc đề xuất.
Q uá khứ, hiện tại và tương lai
Cũng cho ý kiến tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch trong quản lý đất đai.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công tác quy hoạch trong thời gian tới phải đổi mới về phương pháp, nội dung và hình thức.
"Công tác quy hoạch phải đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng cho các bên. Nói rộng ra là phải đảm bảo công bằng, bình đẳng cho các thế hệ. Giải quyết được nhu cầu sử dụng đất, giải quyết được vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai", ông Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng định giá đất và tài chính đất đai là vấn đề mà cả mặt lý thuyết và thực tiễn còn khoảng cách rất khác nhau. Theo ông Hà, nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch bình đằng thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, và xã hội. Giải quyết được mối quan hệ giữa nhà nước, những người dân có đất, những người dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp.
"Vấn đề định giá đất, hay rộng ra là kinh tế tài chính đất đai khi định giá đúng sẽ thực hiện được các chính sách về mặt xã hội thông qua vấn đề tài chính đất đai. Tức chúng ta có thể chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước kết hợp với thị trường, công cụ kinh tế kết hợp với hành chính. Có như vậy mới giải quyết được các vấn đề đầu cơ, thổi giá, sử dụng không hiệu quả đất đai", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Cuối cùng, ông Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai. Một hệ thống dữ liệu đất đai công khai, minh bạch sẽ thực hiện được quyền của nhà nước thay mặt nhân dân giám sát nguồn lực đất đai một cách tốt nhất.