Bộ trưởng Bộ Tài chính: ‘Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ’

Chia sẻ Facebook
11/05/2023 16:07:24

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay 6 năm, cả nước mua mới 4.192 xe ô tô công. (Ảnh: ĐH/baochinhphu.vn)

Cả nước đã tinh giản biên chế 79.057 người

Sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, tăng 403,8 nghìn tỷ đồng (+28,6%) so dự toán. Chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng (+19,4%) so dự toán.


Theo ông Phớc, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng, dù tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới “còn diễn biến phức tạp” .

Trong năm 2022, tổng cộng 8.514 cuộc thanh tra hành chính và 222.629 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được triển khai; phát hiện vi phạm về kinh tế 85.998 tỷ đồng, 8.777ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 26.654 tỷ đồng và thu hồi 574ha đất. Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.371 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 3.440 tỷ đồng, 32ha đất; xử lý hành chính đối với 4.052 tổ chức, 9.297 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 132 vụ, 181 đối tượng…

Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2.

Mặc dù vậy, ông Phớc cho rằng việc sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.


Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 được đánh giá là “tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm” . Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.

Trong tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

“Lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương”, ông Phớc cho hay.

Cùng với đó, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người (tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 – 2021); tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính…


Về mặt hạn chế, theo ông Phớc, công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; “xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, giáo dục”.

Thoái vốn DNNN, giải ngân vốn đầu tư công… đều chậm

Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cho biết có 18/19 tập đoàn, tổng công ty xây dựng Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025 và đang tiếp tục hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Năm 2022, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 883,7 tỷ đồng, thu về 4.290,6 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp cổ phần hoá với tổng giá trị doanh nghiệp 309 tỷ đồng (trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước 278 tỷ đồng); đã đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (giai đoạn 2), Sông Hậu 1; tích cực xử lý, cơ cấu lại dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả…

Tuy nhiên, ông Phớc thừa nhận tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm; việc xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách – bà Phạm Thúy Chinh đánh giá tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm.

Cơ quan thẩm tra đưa ra dẫn chứng lũy kế giải ngân Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đến ngày 31/01/2023 là 46.871,8 tỷ đồng, chỉ đạt 70,7% tổng kế hoạch được giao; Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là 9.409,2 tỷ đồng, đạt 7,86% kế hoạch; Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến thời điểm 31/12/2022 mới giải ngân 16.697,647 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch.

Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nếu loại trừ khoản giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao tăng thêm từ nguồn vượt thu thì tỷ lệ giải ngân còn thấp hơn số Chính phủ đã báo cáo.


“Còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân dự án có vốn nước ngoài chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao”, bà Chinh nói.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước – ông Doãn Anh Thơ cho biết cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều vướng mắc chưa được khơi thông, cần đánh giá kỹ ”điểm nghẽn” để bổ sung trong báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn phân cấp ngân sách, hiện nay đang thực hiện lồng ghép ngân sách, bố trí nhiều nguồn cho cùng một mục tiêu, cùng một nhiệm vụ, nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ để thực hiện có hiệu quả.


Nguyễn Quân

Chia sẻ Facebook