Bộ trưởng Bộ Công Thương: Giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn giá thế giới
Từ 15h00 chiều nay, giá xăng đã có lần tăng thứ 5 liên tiếp, qua đó vượt mức 31.000 đồng/lít.
Bên hàng lang Quốc hội chiều nay (1/6), trả lời vấn về việc giá xăng trong nước tăng kỷ lục lên hơn 31.000 đồng/lít từ 15h00 chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, giá xăng Việt Nam thấp hơn giá xăng thế giới. Do chênh lệch giá như vậy nên có tình trạng buôn lậu xăng dầu trong nước chảy ra nước ngoài.
Từ 15h00 chiều nay (1/6), giá xăng dầu trong nước đồng loạt được điều chỉnh tăng. Cụ thể trong kỳ điều chỉnh lần này, xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng 602 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 921 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 841 đồng/lít; dầu hoả tăng 941 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 303 đồng/kg.
Như vậy sau điều chỉnh giá xăng dầu trong nước từ 15h00 ngày 1/6 là:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 30.235 đồng/lít
- Xăng RON95-III: không cao hơn 31.578 đồng/lít
- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 26.394 đồng/lít
- Dầu hỏa: không cao hơn 25.346 đồng/lít
- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.901 đồng/kg
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nói giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá hàng hoá, làm chương chương trình phục hồi kinh tế bị đổ vỡ là không sai, nhưng phải hiểu rằng nền kinh tế của nước ta có độ mở rất cao, hàng hoá làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Do đó, nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phải ánh đúng giá trị thực tế; vô hình chung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
"Hàng hoá của Việt Nam sản xuất ra để bán cho người tiêu dùng, để xuất khẩu. Giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị thì có phải thiệt hại không", ông Diên cho biết.
Theo ông Diên, hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Nếu ta ép giá đầu vào thì sẽ vướng phải các vụ kiện về hành vi chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí còn bị kiện về hành vi thao túng tiền tệ. Đấy là chưa kể tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới cũng là vấn đề nhức nhối.
"Trong lúc này, để kiểm soát giá xăng dầu, một mặt phải dùng các công cụ, bao gồm cả thuế phí, tăng cường kiểm soát thị trường để giảm giá. Còn trường hợp giá tiếp tục tăng thì dùng chính sách an sinh, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Có như vậy mới hài hoà cả trong lẫn ngoài. Còn nếu chỉ nghiêng theo hướng ép giá thật thấp, vô hình chung gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước", ông Diên cho biết.