Bộ trưởng Bộ Công thương: Giá xăng Việt Nam thấp hơn giá thế giới

Chia sẻ Facebook
02/06/2022 14:25:44

Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, nên nếu ép giá đầu vào, trong đó có giá xăng dầu, ở mức thấp, thì giá thành sản phẩm không những không phản ánh đúng giá trị, mà còn có thể gây thiệt hại lớn.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm về kiểm soát giá xăng dầu - Ảnh: Đ.XO


Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 1-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, dẫn tới tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài.

Theo bộ trưởng, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.


Bộ trưởng cho hay rất chia sẻ với người dân về việc tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, giá xăng có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.

"Nói như vậy cũng không sai nhưng ở chiều ngược lại thì cũng phải nói thêm, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước", Bộ trưởng Diên nói.


Bên cạnh đó, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, bộ trưởng Bộ Công thương cảnh báo nếu "ép giá đầu vào", các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ.

Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, chứ không nói một chiều.

Về giải pháp, bộ trưởng Bộ Công thương cho hay một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá.

Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.

Cũng nêu quan điểm về quản lý giá xăng dầu cũng như kiểm soát lạm phát, đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng mặc dù giá xăng dầu tăng cao nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể vẫn được giữ vững do cầu tiêu dùng đang yếu.

Tuy vậy, ông Lộc vẫn đề nghị Quốc hội cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, bởi sau 2 năm gồng mình chống chịu với dịch bệnh, thu nhập của họ đã bị bào mòn rất nhiều.


Trong khi đó, phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Bùi Minh Khoa (Thanh Hóa) đề nghị để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng”, các cấp thẩm quyền cần sớm quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng giống như chính sách hạ thuế bảo vệ môi trường vừa qua.


Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhưng theo đại biểu, Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá thế giới tăng.


Chiều 1-6, giá xăng dầu được các doanh nghiệp kinh doanh công bố tăng sau khi liên bộ Công thương - Tài chính đưa ra quyết định điều chỉnh giá. Giá xăng E5RON92 tăng thêm 600 đồng/lít, lên mức 30.239 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 920 đồng/lít, lên 31.573 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng tăng gần 1.000 đồng, gồm dầu diesel tăng 840 đồng/lít, lên mức 26.390 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 940 đồng/lít, lên 25.340 đồng/lít. Dầu mazut tăng 310 đồng/ký, lên mức 20.900 đồng/kg.


Trong năm nay giá xăng dầu liên tục tăng và có mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây, kể từ tháng 7-2014. Giá xăng liên tục tăng trong 5 kỳ điều hành gần đây.

Như vậy giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.

Diễn biến mới cho thấy nếu không có giải pháp căn cơ hơn nữa, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... có thể bị đe dọa bởi đà tăng mạnh của giá xăng dầu.

Chia sẻ Facebook