Bỏ tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền gần 100 năm tuổi: Lo ngại cao ốc phá vỡ không gian khu Ba Đình
Việc phá dỡ tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh quảng trường Ba Đình để thế vào đó một tòa cao ốc đã thu hút sự quan tâm lớn của giới quy hoạch, kiến trúc, những người yêu di sản và người yêu Hà Nội nói chung.
"Sự sáng tạo của các kiến trúc sư không nên bị bóp nghẹt bởi những quy tắc cứng nhắc. Thế giới ngày nay dành sự ngưỡng mộ lớn cho những sáng tạo táo bạo mà các kiến trúc sư tài năng đã đưa vào các thành phố cổ, như kim tự tháp của kiến trúc sư Ieoh Ming Pei làm lối vào của Bảo tàng Louvre ở Paris, hay Bảo tàng Guggenheim Bilbao - một công trình kiến trúc hiện đại tuyệt đẹp được kiến trúc sư người Mỹ gốc Canada Frank Gehry đặt vào thành phố cổ kính Bilbao ở Xứ Basque, Tây Ban Nha. Cả hai đều quyết liệt hiện đại, và chúng mang lại một sự năng động, sức quyến rũ mới cho thành phố cổ kính bao quanh chúng.
Ông Martin Rama - giám đốc dự án Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nhiều người nhắc tới "bài học" tòa nhà 8B Lê Trực xây quá cao sát hông quảng trường Ba Đình để bày tỏ sự kinh ngạc khi TP Hà Nội tiếp tục phê duyệt một dự án cao tầng bên cạnh tòa 8B Lê Trực chỉ mới hoàn thành việc "cắt ngọn" hơn một năm trước.
Bất ngờ và khó hiểu
Chưa nói tới việc phá dỡ công trình nhà xưởng gần 100 năm tuổi được đánh giá là một trong những cấu trúc công nghiệp đẹp và còn nguyên bản nhất ở Hà Nội trong 100 năm qua (theo KTS Trương Ngọc Lân - ĐH Xây dựng Hà Nội), việc cấp phép xây dựng cao ốc đồ sộ với 11 tầng, 1 tum và 6 tầng hầm, với kiến trúc khá nặng nề, xấu xí ở đây khiến rất nhiều người từ giới chuyên gia đến người dân đều bất ngờ, "khó hiểu".
KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch - kiến trúc Việt Nam, tuy chưa chia sẻ quan điểm bởi chưa được xem hồ sơ dự án, nhưng nói ông "bất ngờ" và thấy "hơi lạ" khi bài học về công trình 8B Lê Trực vẫn còn nhãn tiền mà nay lại có thêm tòa cao ốc này.
Ông càng thấy "lạ" hơn bởi mới ngày 21-3, UBND TP Hà Nội ra quyết định ban hành quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Theo bản quy chuẩn sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4 này, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục, cơ quan cần được tính toán cân đối về quy hoạch, phải dành tối thiểu 50% quỹ đất bổ sung các công trình công cộng, các tiện ích đô thị khác còn thiếu (trường học, công viên, cây xanh, thể dục thể thao, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật đô thị).
Chưa kể Hà Nội còn có nhiều quy định trước đó hạn chế chiều cao của các công trình trong khu vực nội đô lịch sử. Nhưng Hà Nội lại cấp phép cho công trình xây dựng "kềnh càng" này, với chức năng thương mại, văn phòng, khách sạn.
KTS Nguyễn Việt Hà - sáng lập chuyên trang về quy hoạch, kiến trúc Ashui.com - nói dự án Postef 61 Trần Phú này đáng lẽ phải tôn trọng giá trị của không gian đô thị và có giải pháp chuyên môn tốt nhất.
KTS Trương Ngọc Lân - người đang tham gia nhóm nghiên cứu về giá trị kiến trúc đặc sắc của các công trình nhà máy thời Pháp thuộc - bày tỏ tiếc nuối khi công trình nhà máy có kiến trúc rất độc đáo và giữ được sự nguyên bản hiếm hoi trong hàng trăm năm này bị đập bỏ.
Về mặt đô thị, xưởng cơ khí bưu điện cùng với các công trình liền kề trên đường Trần Phú là Tu viện Carmel (nay là một phần Bệnh viện Xanh Pôn), Bệnh viện Xanh Pôn, trường nữ sinh (nay là Bộ Tư pháp) đã tạo nên vẻ đẹp đồng bộ cho khu vực về tỉ lệ, chiều cao, phong cách kiến trúc.
Trong khi các công trình kia vẫn đang được giữ gìn thì xưởng cơ khí bưu điện bị đập bỏ để thay bằng cao ốc hoàn toàn thô kệch, không ăn nhập gì với cảnh quan thanh lịch xung quanh.
Công trình mới cần hòa hợp với "hồn nơi chốn"
KTS Trương Ngọc Lân khẳng định dù không mang dấu ấn lịch sử đặc biệt nhưng với giá trị độc đáo của kiến trúc cùng tình trạng nguyên bản có một không hai của mình, xưởng cơ khí bưu điện xứng đáng được bảo tồn ít nhất là một phần cùng với những cây xanh gắn với nó để trở thành một trung tâm văn hóa sáng tạo, thành phố sẽ có một không gian đẹp không kém không gian sáng tạo nổi tiếng 798 ở Bắc Kinh được hình thành từ việc cải tạo một nhà máy cũ.
Ở vai trò một nhà kinh tế, ông Martin Rama - giám đốc dự án Trung tâm phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - có cái nhìn thực tế và "kinh tế" hơn.
Theo ông Rama, một thành phố cần thích ứng với thời đại, trở nên đông đúc và cần được đổi mới. Hà Nội rất cần điều đó để tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của người Việt Nam.
Vì vậy, không nên chống lại việc xây dựng các công trình mới làm cho trung tâm thành phố trở nên dày đặc hơn. Thậm chí không chống lại sự táo bạo về mặt kiến trúc ở các công trình mới.
Không chống lại sự táo bạo về mặt kiến trúc ở các công trình mới nhưng ông Rama đồng thời nhấn mạnh những công trình mới phải bảo tồn được cái "hồn nơi chốn". Công trình mới phải đạt được sự hòa hợp và tôn vinh được cảnh quan đặc sắc định hình nên cái hồn của nơi chốn, khu vực ấy.
Nhiều cao ốc trong khu phố cũ: sai lầm khó sửa
Góp ý về tình trạng đáng báo động gần đây khi Hà Nội cho phép mọc lên rải rác nhiều tòa nhà cao tầng với kiến trúc đáng thất vọng ở khu nội đô lịch sử, ông Martin Rama cho rằng lý tưởng nhất là các tòa nhà cao tầng này nằm gần khu vực trung tâm thành phố.
Điều đó giúp những người làm việc trong những tòa nhà đó có thể tận hưởng vẻ đẹp của khu phố cổ kính đồng thời giúp ngăn khu phố cũ này bị "mục nát" bởi quá xa nơi hoạt động kinh tế sôi động.
Còn nếu để những tòa nhà cao tầng mọc lên rải rác trong khu phố cũ là một sai lầm khó sửa chữa.
Cùng ngày Tuổi Trẻ có bài 'Chia tay tòa nhà Pháp cổ 4 mặt tiền cạnh Quảng trường Ba Đình', chiều 4-4, UBND quận Ba Đình đã có công văn đề nghị chủ đầu tư bảo vệ nguyên trạng bức phù điêu ghi dấu lịch sử trên bức tường tòa nhà đang phá dỡ.