Bỏ thói quen giao thông 'điền vào chỗ trống'
Thạc sĩ VŨ ANH TUẤN, phó trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, khoa vận tải - kinh tế Trường đại học Giao thông vận tải nói về giải pháp dùng dải phân cách cứng tách làn riêng cho ôtô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Hôm qua (8-8) là ngày thứ ba đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) áp dụng phân riêng làn ôtô và xe máy bằng dải phân cách cứng. Ghi nhận của Tuổi Trẻ, vào giờ cao điểm buổi sáng tuyến đường này vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Tại các nút giao cắt, các phương tiện ra vào và chuyển làn khiến giao thông lộn xộn.
Đáng chú ý, dù đã phân làn riêng nhưng ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau, chen nhau "điền vào chỗ trống", mặc cho lực lượng chức năng ra sức điều tiết và "thổi còi" cật lực để chỉ dẫn các phương tiện.
* Việc tách làn xe trên đường Nguyễn Trãi được thực hiện từ ngày 6-8 đến nay nhưng thực tế vẫn chưa cải thiện được tình trạng giao thông trên đường vào giờ cao điểm. Theo ông, vì lý do gì?
- Không đơn giản chỉ đặt dải phân cách cứng là tạo nên hiệu quả được. Quan trọng là xử lý hợp lý tại các nút giao - nơi nhiều xe có nhu cầu chuyển hướng, tạo làn đệm để họ chuyển tiếp phù hợp, đồng thời điều phối tín hiệu đèn giao thông giữa các nút giao để dòng xe lưu thông được với số lần phải dừng chờ đợi đèn đỏ là ít nhất. Thuật ngữ giao thông gọi là "tạo làn sóng xanh" cho xe di chuyển với vận tốc tốt nhất và thời gian chờ đợi ngắn nhất.
* Hà Nội từng dùng giải pháp bịt ngã tư, tách làn bằng dải phân cách cứng trên một số tuyến đường rồi bỏ, vì sao?
- Muốn có hiệu quả thực sự trên tuyến đường Nguyễn Trãi trong bối cảnh giao thông hiện nay bằng giải pháp tổ chức giao thông phải dựa trên khoa học. Công nghệ hiện nay cho phép mô phỏng các giải pháp tổ chức giao thông định thực hiện rất dễ. Nếu định triển khai tổ chức giao thông thế nào, đặt dải phân cách cứng ở đâu, chặn chỗ nào, mở chỗ nào cho xe quay đầu chỉ cần mô phỏng bằng phần mềm thì sẽ đánh giá được ngay hiệu quả trước khi triển khai thực tế.
Hiện nay, đường Nguyễn Trãi dùng dải phân cách cứng để tách dòng xe trên một số đoạn nhưng không xử lý triệt để được tại các điểm giao cắt thì hiệu quả sẽ không đáng kể.
* Đường Nguyễn Trãi trước đây cũng tách làn ôtô và xe máy bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường nhưng xe máy và ôtô vẫn đi xen trộn với nhau. Với cách "đi đứng" như thế, liệu có giải pháp nào hiệu quả hơn?
- Đường Nguyễn Trãi có mặt cắt rất lớn nhưng xe đi lộn xộn rất nguy hiểm khi xe máy đi sang làn ôtô, ôtô luồn lách sang làn xe máy. Một số tuyến đường khác cũng vậy. Tình trạng này phụ thuộc vào ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân.
Ngoài tuyên truyền và nâng cao nhận thức, cần nâng cao giám sát và xử phạt mới cải thiện được ý thức và tình hình giao thông.
Ôtô dàn ngang, đường đâu cho xe máy đi?
Vài năm gần đây, tình trạng ôtô đi kín lòng đường khiến xe máy chỉ còn phần đường rất hẹp hoặc phải đi trên vỉa hè xảy ra phổ biến tại Hà Nội, nhất là ở khu vực các ngã tư. Phần lớn ý kiến phản đối cách đi xấu xí của một số tài xế ôtô nhưng cũng tạo ra tranh luận "đường không phân làn riêng nên ôtô đi vào phần đường xe máy và ngược lại".
Chị Lê Thị Thanh (40 tuổi, sống ở Hà Đông) bức xúc: "Có đường 4 làn xe nhưng ôtô đi kín cả 4 làn, có khi dàn thành 5 hàng. Lúc đó, xe máy chỉ có thể đi lên vỉa hè hay len lỏi giữa ôtô rất nguy hiểm. Giao thông như thế thì đường càng tắc vì ôtô với xe máy như ngô trộn với vừng khiến càng khó xoay xở. Đường đông, nếu tuần tự xếp hàng nối đuôi nhau, xe nào đi phần đường của xe nấy thay vì tranh đường thì vừa đỡ tắc vừa an toàn".
Chị Thanh kể: "Khi vào TP.HCM đi taxi giữa trưa thấy làn đường ôtô ùn, làn dành cho xe máy vắng nhưng tài xế vẫn không đi sang làn xe máy, hỏi sao không chuyển làn đi cho nhanh thì tài xế trả lời ôtô vào làn đường xe máy dễ bị công an phạt".
Đi đúng làn đường: yếu tố rất quan trọng
Theo Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), TP.HCM dùng dải phân cách di động và vạch đứt quãng trên đường để phân luồng, phân chia làn đường linh hoạt nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Trong đó, vạch đứt quãng phân chia làn đường thì dùng phổ biến ở các tuyến đường lớn có 3 làn xe mỗi hướng (làn bên phải trong cùng dành cho xe máy, làn hỗn hợp, làn ôtô). Khi đường ùn xe, người đi xe máy thấy vạch đứt quãng thì có thể linh hoạt chạy vào làn ôtô để lưu thông xuyên suốt.
Còn dải phân cách di động là cọc chóp nón dễ di chuyển và đóng mở tại các giao lộ nhiều giao cắt. Ví dụ đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) có xe đông vào khung giờ cao điểm sáng (từ 6h tới 8h30) và chiều (từ 17h tới 18h30). Lúc này, lực lượng chức năng chủ động đóng dải phân cách tại các giao lộ nhằm giảm dòng xe xung đột và xe đi liên tục tạo thông thoáng.
Ở cầu vượt thép Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) thì dải phân cách được di chuyển để ưu tiên cho dòng xe đi: sáng ưu tiên hướng vào trung tâm, chiều ưu tiên hướng thoát xe ra khỏi trung tâm TP.
Cũng liên quan đến phân luồng, có sự linh hoạt tạo thêm "khoảng thở" cho giao thông. Ví dụ quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức)... có quy định rõ khung giờ nào xe máy được đi vào làn ôtô.
Ngoài khung giờ đó, xe máy hay ôtô đi sai làn đường bị CSGT phạt hoặc hệ thống camera ghi hình phạt nguội. Chính nhờ vậy, rất ít xảy ra ôtô dàn hàng 2, hàng 3 gây tắc nghẽn giao thông.
Thời gian qua, việc bố trí dải phân cách di động, vạch đứt quãng để chia làn đường đã phát huy tác dụng rất tốt trong điều tiết giao thông. Nhiều trường hợp xảy ra sự cố giao thông hay ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông điều chỉnh dải phân cách để phân luồng xử lý.
Không ít tuyến đường trước đây đặt dải phân cách cố định thường xuyên ùn tắc, xảy ra tai nạn nhưng khi đổi sang dải phân cách di động đã giúp giảm tình trạng này. Trung tâm cũng đang phối hợp các đơn vị, lấy ý kiến lực lượng điều tiết giao thông để nhân rộng hơn nữa mô hình dải phân cách này trên địa bàn TP.
Theo ghi nhận chung, tại TP.HCM, việc giao thông theo đúng làn đường được số đông người dân tuân thủ và CSGT thường xử phạt các lỗi đi không đúng làn đường. Như ngoài khung giờ cho phép, xe máy chạy vào làn ôtô sẽ bị CSGT phạt.
Cũng có tình trạng xe máy chèn vào làn ôtô nhưng không thấy phạt, thường là những lúc đường ùn tắc. Còn khi dừng đèn đỏ, nếu xe máy chèn vào làn ôtô cũng dễ bị CSGT nhắc nhở.
Với ôtô, tài xế cũng hạn chế chạy vào làn xe máy vì dễ bị phạt hoặc camera ghi hình sau đó phạt nguội. Tại các tuyến đường lớn hầu như không có tình trạng ôtô dàn hàng trên đường hay lấn vào làn xe máy.
THU DUNG
Dù là tuyến đường vừa được phân riêng làn ôtô và xe máy bằng dải phân cách cứng, nhưng đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vẫn ùn tắc nghiêm trọng sáng 8-8. Đến 8h30, lực lượng chức năng đã quyết định thu gọn dải phân cách để người dân dễ chuyển làn.