Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp tác với HSBC Việt Nam 4 nội dung, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào 2050
"Ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu là một thử thách lớn, đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội. Sự đồng hành của các tổ chức có tiềm lực, năng lực, kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam chuyển dịch sang một nền kinh tế phát thải thấp", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ.
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam (HSBC Việt Nam) đã trao đổi Bản Ghi Nhớ chương trình hợp tác về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Buổi lễ được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi Trường (TN&MT), đại diện Ngân hàng HSBC khu vực châu Á Thái Bình Dương và các thành viên thuộc phái đoàn Việt Nam tham dự COP27.
Theo đó, HSBC Việt Nam sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng phương pháp tiếp cận thực tế trong việc hiện thực hóa các chiến lược cho phù hợp với các mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của Việt Nam cũng như xây dựng cơ cấu để mở ra các nguồn tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ các mục tiêu này. Cụ thể, trong vòng 08 năm tới, Ngân hàng sẽ tập trung vào bốn mục tiêu chính:
- Đóng góp vào quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 thông qua chia sẻ thông lệ và kinh nghiệm nhằm giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng, hoàn thiện cơ cấu và chính sách để khai thác các nguồn tài trợ tiềm năng từ nhà đầu tư và định chế tài chính quốc tế. HSBC Việt Nam sẽ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc phát triển các sản phẩm ESG, xây dựng cơ cấu, giải pháp và các chương trình tài chính như quy tắc và chuẩn mực quốc tế về tài chính bền vững; phát triển cơ cấu Trái phiếu xanh do Chính phủ và các đơn vị liên quan Chính phủ phát hành; phát triển thị trường mua bán các-bon trong nước và cơ chế tài chính liên quan…
- Giúp Việt Nam xây dựng nguồn lực và năng lực cần thiết trong lĩnh vực bền vững.
- Xây dựng tiêu chuẩn phân loại – định nghĩa tài sản bền vững và các sản phẩm tài chính tại Việt Nam bằng cách tham gia vào quá trình xây dựng phiên bản 2 của Tiêu chuẩn phân loại tài chính bền vững của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xác định và phân loại các hoạt động kinh tế bền vững trong khu vực ASEAN.
- Đóng góp và hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường phát triển các bộ công cụ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực để đánh giá mức độ phát thải, rủi ro chuyển đổi và phát triển các lộ trình hướng tới nền kinh tế giảm phát thải khí nhà kính.
Bản Ghi Nhớ này là nỗ lực tiếp theo của HSBC Việt Nam trong việc hiện thực hóa cam kết đồng hành cùng Việt Nam hướng đến mục tiêu bền vững lâu dài. Tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2022, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ sẽ đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết đó, HSBC gợi ý Việt Nam cần kêu gọi sự tham gia của cả hai khối công tư trong mọi lĩnh vực.
"Đặc biệt, chương trình hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và HSBC mở ra nhiều cơ hội cho Chính phủ Việt Nam tận dụng nguồn lực từ các tổ chức tài chính, hiệp hội, các chuyên gia… và đồng thời khuyến khích thêm sự tham gia của các doanh nghiệp khác trên thị trường".
"Vấn đề biến đổi khí hậu đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề này đặc biệt cấp thiết tại Việt Nam – một trong những quốc gia chịu nhiều tổn hại do biến đổi khí hậu nhất trên hành tinh của chúng ta", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.
Hưởng ứng cam kết của Việt Nam tại COP26, HSBC Việt Nam đã cam kết thu xếp đến 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2030. Ngân hàng sẽ huy động nguồn vốn từ thị trường tài chính trong nước và quốc tế để có thể cung cấp đa dạng các giải pháp bền vững của mình, bao gồm tín dụng xanh, tài trợ nợ, chuỗi cung ứng, thương mại, tiền gửi xanh và các sản phẩm đầu tư.
Bình An