Bộ Tài chính yêu cầu xử lý đất lấn chiếm, thiếu hồ sơ pháp lý

Chia sẻ Facebook
28/03/2023 10:47:46

Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp...

Mới đây, Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 2635/BTC - QLCS yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Theo nội dung công văn, ngày 15/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 về việc đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Để kịp thời triển khai các nội dung về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Bộ Tài chính trân trọng đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.


Thứ nhất, về việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.


Năm 2023 và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư quản lý, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất,...

Đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc rà soát, đánh giá, chủ động báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi gửi Bộ Tài chính, có ý kiến tham gia đúng hạn, có chất lượng đối với các dự thảo Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến; kịp thời tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.


Đề nghị các Bộ quản lý chuyên ngành (Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các loại tài sản kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình để kịp thời xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng để phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017.


Thứ hai, về việc lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.

Chậm nhất ngày 31/5/2023, các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc rà soát tất cả các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương; trên cơ sở đó, xác định chính xác số cơ sở nhà, đất phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý (các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại, xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ); tiến độ kê khai, báo cáo, lập phương án xử lý, phê duyệt phương án xử lý. Kết quả rà soát được lập thành báo cáo theo Mẫu số 01 kèm theo Công văn này, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 6 năm 2023.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý (nếu còn các cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi, đối tượng sắp xếp lại nhưng chưa được phê duyệt phương án xử lý), xác định cụ thể tiến độ (thời gian) thực hiện từng khâu (lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án; tổng hợp báo cáo kê khai và phương án đề xuất; kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất; lấy ý kiến của các cơ quan, địa phương có liên quan; lập phương án xử lý; phê duyệt phương án xử lý,...) và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân có liên quan.

Căn cứ Kế hoạch sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành, Thủ trưởng các cơ quan chức năng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp quản lý, sử dụng nhà, đất và cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đối với các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều cơ sở nhà, đất chưa được phê duyệt phương án xử lý, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức các đoàn công tác để trực tiếp đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án xử lý nhà, đất.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm tra hiện trạng sử dụng nhà, đất, có ý kiến về phương án xử lý nhà, đất, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn theo quy định; kịp thời cung cấp các thông tin về quy hoạch và các thông tin khác thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của địa phương để phục vụ việc lập, phê duyệt phương án xử lý và tổ chức xử lý nhà, đất.


Thứ ba, về việc xử lý các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý.

Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất rà soát các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích (sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê) hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc; trên cơ sở đó, kiến nghị và liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc mất hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc nhà, đất.

Các cơ quan chức năng tại địa phương có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích và các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn. Đối với các cơ sở nhà, đất thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các cơ quan chức năng của địa phương căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan và quy định của pháp luật về đất đai để xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo đúng quy định của pháp luật, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất.

Đối với các cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc đối tượng sắp xếp lại theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công văn số 12330/BTC-QLCS ngày 24/11/2022 của Bộ Tài chính và Công văn này, bảo đảm việc lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.


Thứ tư, về kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP) đã quy định cụ thể các công việc phải triển khai thực hiện, thời hạn thực hiện các công việc sau khi phương án xử lý nhà, đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo từng hình thức xử lý cụ thể (giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất;...), bao gồm cả các quy định về việc xử lý chuyển tiếp đối với các phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được phê duyệt trước ngày 01/9/2021.

Vì vậy, để bảo đảm việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đúng quy định của pháp luật, kịp thời đưa nhà, đất vào sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa, đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập kế hoạch và tổ chức triển khai kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, quan tâm kiểm tra việc thực hiện phương án đối với các cơ sở nhà, đất thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, đấu giá,..., bảo đảm hoàn thành việc thực hiện phương án xử lý nhà, đất trước năm 2025 theo đúng Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội.

Trường hợp các phương án có quy định thời hạn thực hiện nhưng để quá hạn thì phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để gia hạn hoặc phê duyệt lại phương án, bảo đảm đúng quy định. Các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Hàng quý, trước ngày mùng 5 tháng đầu của quý sau, các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp kết quả thực hiện các công việc nêu trên (Chi tiết theo Phụ lục số 02), gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền. Kết quả các nội dung tại Nghị quyết số 74/2022/QH15, được cụ thể hóa tại Công văn này là căn cứ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản công của các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương hàng năm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook