Bộ Tài chính sẽ trình giảm thêm thuế xăng dầu ở kỳ họp Quốc hội tới
Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại phiên thảo luận toàn thể trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022, chiều 18/9.
Theo đó, tại phiên thảo luận, trả lời câu hỏi về định hướng chính sách của Bộ Tài chính trong điều hành, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, tác động của đại dịch cũng như những xung đột chính trị quốc tế gây ảnh hưởng nhiều mặt với nền kinh tế Việt Nam, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn thị trường lao động, tăng giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian vừa qua. Thứ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân.
Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn, thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến 31/12.
Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.
“Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Chi thông tin.
Ông Chi cho biết, Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu.
Đại diện Tập đoàn Masan cho rằng, giá xăng dầu những ngày gần đây cơ bản giảm xuống, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã có lãi. Tuy nhiên, giá xăng dầu trên thế giới vẫn có nhiều biến động, kéo theo giá các mặt hàng đầu vào tăng cao, khiến doanh nghiệp còn lo âu phấp phỏng.
“Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công Thương có chính sách điều hành tốt, ổn định giá xăng dầu để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, nhất là trong giai đoạn nước rút cuối năm này”, vị đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị.
Trước đó, báo cáo về kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua tại phiên thảo luận chuyên đề sáng nay, PGS.TS Nguyễn Trung Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường - chính sách này chiếm tỉ trọng khá lớn khi nằm trong gói hỗ trợ 34.970 tỷ đồng, chiếm 63% trên tổng số 55.500 tỷ đồng.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ giảm giá xăng dầu để hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhưng chưa có sự lan tỏa ngay. Sau khi giảm 50% sắc thuế này, giá xăng trên cả nước vẫn ở mức cao, có thời điểm lập đỉnh trên 33.000 đồng/lít.
Song, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, xăng dầu đã giúp kích thích cầu nội địa, bình ổn giá xăng dầu và kiềm chế một phần lạm phát.
“Giá xăng dầu còn bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau như chiến tranh, lạm phát leo thang. Vì vậy, nhóm đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời triển khai giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên nên cân nhắc đến việc giảm thuế có điều kiện. Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng cam kết phải thực hiện thêm hoạt động xã hội”, PGS.TS Nguyễn Trung Lê đề xuất .