Bộ Tài chính: Dự thảo Nghị quyết về mua sắm vắc xin Chương trình TCMR trái với quy định
VietTimes – "Cơn khát" vắc xin Tiêm chủng mở rộng tưởng sẽ được giải quyết sau khi Bộ Y tế trình Chính phủ phương án mua vắc xin cho các địa phương. Nhưng, Bộ Tài chính lại phản bác rằng một số nội dung trong dự thảo này trái quy định.
Các bà mẹ rất quan tâm đến việc tiêm vắc xin để phòng bệnh cho trẻ
Việc thiếu vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên cả nước, như VietTimes đã phản ánh trong bài “Thiếu vắc xin trên cả nước: Nguy cơ “dịch chồng dịch” , đến nay vẫn chưa có lời giải. Đây thực sự là thách thức không chỉ cho ngành y tế, mà cho nhân dân cả nước trong việc phòng, chống dịch bệnh ở trẻ.
Sau khi nhiều địa phương lên tiếng về việc không có vắc xin TCMR, vấn đề này cũng được đưa ra kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và Bộ Y tế đã đề xuất giải pháp : Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước trong Chương trình TCMR. Còn với vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ mua sắm theo hình thức đàm phán giá.
Bộ Tài chính: Địa phương không vướng về cơ chế
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã chỉ ra những bất cập trong giải pháp mà Bộ Y tế đề xuất.
Trong văn bản 5609 ngày 1/6/2023 gửi Văn phòng Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng ký, góp ý về việc mua sắm vắc xin Chương trình TCMR (tại Tờ trình số 669/TTr- BYT ngày 21/5/2023 của Bộ Y tế), Bộ Tài chính cho rằng “không có quy định ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí mua vắc xin trong Chương trình TCMR , mà thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp NSNN. Theo đó, kinh phí mua vắc xin TCMR tại địa phương do ngân sách địa phương bảo đảm.”
Vì thế, từ năm 2022, Bộ Tài chính đã có 3 công văn trao đổi với Bộ Y tế về cơ sở pháp lý bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để mua vắc xin Chương trình TCMR tại các địa phương và đề nghị: “Trường hợp cần thiết bố trí ngân sách trung ương thực hiện mua một số thuốc, vắc xin, ... cho trẻ em dưới 5 tuổi, đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí ngân sách Trung ương”.
Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa trình cấp có thẩm quyền quyết định việc bố trí ngân sách trung ương (cụ thể là bố trí dự toán cho Bộ Y tế) để mua vắc xin TCMR. Thay vào đó, Bộ Y tế đã phát hành công văn số 1810/BYT-KH-TC vào ngày 3/4/2023, đề nghị địa phương bố trí ngân sách địa phương để mua vắc xin trong năm 2023.
“Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng chưa có cơ sở để bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin TCMR năm 2023 ” - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Vướng mắc của địa phương
Trong Tờ trình số 669/TTr-BYT, Bộ Y tế cho biết có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi triển khai mua sắm vắc xin TCMR như: việc bố trí kinh phí của địa phương, việc tham khảo giá mua sắm và tổ chức thực hiện... và đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc thực hiện đàm phán giá. Như vậy, các địa phương không có vướng mắc về cơ chế chính sách, chủ yếu vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện: bố trí kinh phí, đấu thầu, đặt hàng.
Tại Tờ trình số 669/TTr-BYT, Bộ Y tế báo cáo "việc địa phương thực hiện mua sắm là đúng các quy định hiện hành, tuy nhiên, các địa phương chưa thực hiện nhưng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc mua sắm vắc xin và các loại thuốc nêu trên".
“Đề nghị Bộ Y tế làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý của việc đề xuất các phương án tại Tờ trình số 669/TTr-BYT. Trường hợp chỉ vướng mắc do tổ chức thực hiện, đề nghị địa phương thực hiện theo đúng quy định”.
Đề xuất cơ chế mua vắc xin của Bộ Y tế: Trái quy định
Trong Tờ trình 669, Bộ Y tế đề nghị “các địa phương ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng”.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này là: Bộ Tài chính có thẩm quyền ban hành giá tối đa trên cơ sở thẩm định và đề xuất của Bộ Y tế trong trường hợp Bộ Y tế đặt hàng mua sắm vắc xin từ nguồn ngân sách Trung ương; Bộ Tài chính không có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt giá cụ thể để đặt hàng và không có thẩm quyền ban hành giá tối đa đối với sản phẩm, dịch vụ thực hiện đặt hàng từ nguồn ngân sách địa phương.”
“nội dung tại dự thảo Nghị quyết trái với các quy định hiện hành.”
Về đề nghị của Bộ Y tế trong việc mua sắm vắc xin nhập khẩu trong Chương trình TCMR theo hình thức đàm phán giá, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do nội dung này liên quan đến pháp luật về đấu thầu.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính sửa Thông tư, Bộ Tài chính đề nghị ngược lại
Trong Tờ trình số 669/TTr-BYT, Bộ Y tế đề xuất “Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc xin cho Chương trình TCMR từ năm 2024”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính phản bác cả 3 Nghị định này đều không không gây vướng mắc trong việc mua sắm vắc xin.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định 32/2019/NĐ- CP đã quy định đầy đủ về thẩm quyền, điều kiện, căn cứ thực hiện giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Và vướng mắc hiện nay không phải do quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ- CP như ý kiến Bộ Y tế nhận định tại Tờ trình số 669/TTr-CP: "Việc địa phương thực hiện mua sắm là đảm bảo đúng các quy định hiện hành, tuy nhiên, các địa phương chưa thực hiện nhưng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện việc mua sắm vắc xin".
Do đó, Bộ Tài chính cho rằng việc “Bộ Y tế đề xuất sửa Nghị định số 32/2019/NĐ- CP trong việc mua vắc xin TCMR là không phù hợp”, và đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định số 104/2016/NĐ-CP để bổ sung quy định phù hợp với “trường hợp đặt hàng sản xuất vắc xin TCMR ở trong nước có đặc thù”.
Về Nghị định 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016, Bộ Tài chính cũng khẳng định nội dung về thẩm quyền ban hành giá tối đa, giá cụ thể để đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công đã được quy định cụ thể, rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm gắn với nhiệm vụ quản lý ngân sách nhà nước và không phát sinh vướng mắc mắc giữa cấp trung ương và cấp địa phương.
Với những lập luận như trên, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế tổng hợp ý kiến của Bộ Tư pháp về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, để kịp thời có vắc xin TCMR, Bộ Tài chính đề xuất hướng giải quyết: Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ đưa vào Nghị quyết việc ngân sách Trung ương tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vắc xin TCMR cho toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và bổ sung dự toán ngân sách năm 2023 cho Bộ Y tế để thực hiện; đồng thời, giao Bộ Y tế trình Chính phủ sửa Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó quy định ngân sách trung ương (bố trí cho Bộ Y tế) bảo đảm kinh phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cho trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình TCMR.