Bộ Tài chính đề xuất giao toàn phần xăng dầu về Bộ Công Thương
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm trên nghị trường chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá 2022 là năm kinh tế - xã hội được điều hành quản lý thành công. Tăng trưởng GDP dự báo đạt 7,5-8%; CPI tăng 2,74% (dưới mức 4% theo kế hoạch để ra); nợ công bằng khoảng 45% GDP; và cả nước đã xuất siêu 8 tỷ USD...
Về chính sách tài khóa năm 2022, chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Theo ông Phớc thu ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng 1,614 triệu tỷ đồng (vượt 202.400 tỷ so với dự toán). Trong đó, thu nội địa được ghi nhận tăng trưởng 9,8%.
Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết năm nay là năm giảm thuế nhiều nhất với 233.000 tỷ đồng. Trong 9 tháng qua, cơ quan chức năng đã thực hiện giãn hoãn, miễn giảm và gia hạn thuế hơn 151.237 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngành thuế.
Ngành thuế cũng thực hiện biện pháp thu ngân sách như phát hành hóa đơn điện tử, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới. Trong 9 tháng, đã có 3.167 tỷ đồng được thu từ 37 tập đoàn công nghệ lớn như: Google, YouTube, Microsoft, Tiktok…
Đã giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, có cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách.
Về dự toán ngân sách năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá là năm có nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao, lãi suất, tỉ giá tăng, room tín dụng thắt chặt, thị trường vốn khó khăn, tình hình lạm phát thế giới phức tạp trong khi đó nhu cầu trên thị trường giảm.
Để đảm bảo thận trọng, đúng năng lực kinh tế, dự toán thu ngân sách đặt ra là khoảng 1,62 triệu tỷ đồng.
Liên quan đến tình hình thị trường chứng khoán và trái phiếu, Bộ trưởng Tài chính cho rằng việc phát hành trái phiếu riêng lẻ hiện nay theo nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Cho nên, dư nợ trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp hiện đạt 1,204 triệu tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP. Trong đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều nhất là bất động sản với khoảng 37%.
Theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán, đến năm 2030, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đạt khoảng 25% GDP.
Ông Phớc nhấn mạnh: “Sắp tới, chúng tôi đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát chặt chẽ, minh bạch. Đồng thời, tạo ra thị trường vốn trung và dài hạn phát triển sản xuất kinh doanh”.
Về lĩnh vực xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính cho biết nhu cầu của cả nước là khoảng 19,2 triệu tấn/năm. Sản xuất trong nước phụ thuộc vào 2 nhà máy là Lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Trong 9 tháng qua, Lọc dầu Bình Sơn đạt khoảng 70% công suất với 4,4 triệu tấn/6,2 triệu tấn. Trong khi đó ở Nghi Sơn công suất 6,8 triệu tấn mới chỉ đạt 4,3% sản lượng.
Bên cạnh đó, kế hoạch nhập khẩu là 6,2 triệu tấn phân bổ cho 34 đầu mối. Tuy nhiên, 9 tháng qua mới đạt 3,97 triệu tấn. Cho nên, trong quý III, nhập khẩu xăng dầu đã giảm 40% so với quý trước, với 19/34 đầu mối nhập khẩu nên thiếu hụt nguồn cung.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ giao toàn diện phần xăng dầu về Bộ Công Thương, kể cả việc quyết định về giá và chi phí định mức để đảm bảo nguồn cung chủ động, tăng cường phối hợp chủ động trong nguồn cung và hệ thống đầu mối phân phối bán lẻ. Chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết vấn đề khó khăn để đảm bảo nguồn cung xăng, dầu một cách tốt nhất để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh”, ông Phớc cho biết thêm .