Bổ sung quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử
Bổ sung quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử
Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/9/2023.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, đặc điểm của khoản vay, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý rủi ro và các văn bản pháp luật có liên quan.
Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.
Tổ chức tín dụng phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Tổ chức tín dụng tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng tối thiểu các yêu cầu sau: Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu; Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu; Có biện pháp theo dõi, nhận dạng, đo lường và kiểm soát rủi ro; có phương án xử lý rủi ro; Phân công trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, bộ phận có liên quan trong hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.
Các nội dung không được quy định tại Mục 3 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) thực hiện theo các quy định liên quan tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Thứ hai, nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
Tổ chức tín dụng phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:
Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng (là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác) với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các tài liệu, dữ liệu cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của tổ chức tín dụng.
Hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử hoặc bởi tổ chức tín dụng khác.
Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, trong đó có biện pháp ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa, làm sai lệch thông tin nhận biết khách hàng trong quá trình cho vay; có biện pháp để kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử là khách hàng vay vốn.
Có biện pháp kỹ thuật để xác nhận khách hàng đã được định danh đồng ý với thỏa thuận cho vay. Quy trình quản lý, kiểm soát rủi ro phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật.
Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch trong quá trình cho vay.
Việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng tại khoản 1 Điều 32b Thông tư 39/2016/TT-NHNN (bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) áp dụng đối với khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, lần đầu thiết lập mối quan hệ tại tổ chức tín dụng.
Trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, đã thiết lập mối quan hệ tại tổ chức tín dụng và hoàn thành việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, tổ chức tín dụng được quyết định việc áp dụng các biện pháp, hình thức, công nghệ để xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo phù hợp với các thông tin đã biết về khách hàng.
Thứ ba, dư nợ cho vay bằng phương tiện điện tử.
Dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b Thông tư 39/2016/TT-NHNN (bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN) không vượt quá 100.000.000 (một trăm triệu) đồng Việt Nam tại một tổ chức tín dụng.
Thứ tư, hồ sơ đề nghị vay vốn bằng phương tiện điện tử.
Khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng các tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN và các tài liệu, dữ liệu khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử phải đảm bảo nguyên tắc phân định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục, vụ khâu thẩm định và quyết định cho vay.
Trường hợp có rủi ro phát sinh, tổ chức tín dụng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong việc tổ chức xét duyệt cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng.
Thỏa thuận cho vay được lập thành văn bản, trường hợp là hợp đồng điện tử thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và phải có tối thiểu các nội dung quy định tại Điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN).
Tổ chức tín dụng lập hồ sơ cho vay dưới dạng thông điệp dữ liệu phù hợp với quy định của pháp luật về lưu trữ, pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật có liên quan, bao gồm: Thỏa thuận cho vay; Báo cáo thực trạng tài chính của khách hàng; Quyết định cho vay có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền; trường hợp quyết định tập thể, phải có biên bản ghi rõ quyết định được thông qua; Thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng (nếu có); thông tin, dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng khoản vay liên quan đến thỏa thuận cho vay theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng phải lưu giữ hồ sơ cho vay; thời hạn lưu giữ hồ sơ cho vay thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tín dụng sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN): Tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định việc giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống mà khách hàng cam kết.
Tuệ Minh