“Bỏ phố về quê” nuôi con 2 chân, chàng trai thu lãi 300 triệu đồng/năm

Chia sẻ Facebook
21/04/2024 04:51:27

Theo xu hướng người trẻ về quê lập nghiệp, mới đây chàng trai trẻ ở Bắc Quang đã khiến nhiều người trầm trồ khi có thu nhập tốt nhờ mô hình nuôi gà và trồng cam.

Anh Nguyễn Thanh Luân (sinh năm 1987), thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang, Hà Giang từng làm việc tại ngành thông tin của Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Giang được 10 năm. Tuy nhiên, với khao khát lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, năm 2018 anh Luân quyết định “bỏ phố về quê” làm kinh tế.

Năm 2018, tận dụng lợi thế diện tích đất đai của gia đình anh quyết định trồng cây cam. Nhận thấy trồng cam chưa mang lại nhiều hiệu quả kinh tế đến năm 2022, anh đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách với số tiền 30 triệu đồng và bắt đầu tiến hành cải tạo vùng đất đồi rộng khoảng 1 ha của gia đình, mở rộng mô hình nuôi gà đồi thương phẩm.

Với những kiến thức được đi học hỏi tại các địa phương khác, anh Luân đã xây dựng trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín, chia thành các khu chuyên biệt, vừa đảm bảo vệ sinh lại đảm bảo quy trình chăm sóc an toàn. Với 2.500 con gà giống mỗi năm anh nuôi 2 lứa đến nay gia đình anh có 4 chuồng mỗi chuồng 1000 con.

Anh Nguyễn Thanh Luân là một trong những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của xã Đồng Yên, huyện Bắc Quang (Ảnh: Báo Hà Giang)

Anh Luân cho biết: “Để gà ít bệnh nhà tôi thường xuyên rắc vôi bột quanh chuồng, rải vỏ chấu phủ lên trên mặt đất để cho gà không bị đau chân, bảo đảm cho việc dọn dẹp vệ sinh”. Hiệu quả từ việc nuôi gà đã mang lại thu nhập gần 300 triệu đồng/năm. Theo anh Luân, thị trường xuất bán của gia đình anh chủ yếu là các lái buôn trong tỉnh và những tiệc cưới cũng thường xuyên đặt hàng.

Ngoài ra, từ việc trồng cây cam mở rộng đất, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những địa phương khác đã giúp gia đình anh thu về mỗi vụ cam được 17 tấn với khoảng 170 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh Luân còn mở rộng ao nuôi thêm cá trắm, rô phi, chép. Hiện ao nhà anh đang có khoảng 1.000 con cá trắm cỏ.

Ông Đặng Tiến Cường, phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bắc Quang đánh giá: Mô hình nuôi gà đồi thương phẩm của anh Nguyễn Thanh Luân rất đáng để nhân rộng đến với các gia đình khác. Mặc dù còn trẻ tuổi nhưng anh Luân rất tích cực tìm tòi, đổi mới tư duy trong chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

Cũng làm giàu từ vùng đất khó, chàng thanh niên dân tộc Tày Hoàng Văn Mơi (xã Xín Mần, huyện Xín Mần, Hà Giang) đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, từng bước phát triển kinh tế gia đình và trở thành hộ có thu nhập khá, được nhiều bà con trong vùng biết đến, học hỏi kinh nghiệm.

Sinh ra và lớn lên ở Nà Trì (huyện Xín Mần), gia đình thuộc hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn, ít ruộng nương, năm 2016, Hoàng Văn Mơi quyết định chọn xã Xín Mần làm nơi khởi nghiệp.

Trải qua đôi lần tập tành khởi nghiệp chưa thành công, anh Mơi quyết định tìm tòi, lựa chọn hướng đi mới cho bản thân. Nhờ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền xã, thôn, anh Mơi bắt tay trồng các loại rau cải thảo, bắp cải, củ cải,… một phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, một phần mang đi bán tại các chợ ở Xín Mần, Cốc Pài.

Năm 2020, được huyện hỗ trợ đi thăm quan, học tập mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tại tỉnh Tuyên Quang, Hoàng Văn Mơi trở về với quyết tâm đổi mới mô hình phát triển kinh tế hộ, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật mới, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Sau khi bàn bạc, thống nhất với gia đình, anh vay mượn vốn để nuôi thêm trâu sinh sản và trâu vỗ béo. Từ chỗ nuôi 2 con trâu có hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư thêm 10 con trâu, trong đó có 05 con trâu sinh sản và 07 con trâu vỗ béo; 07 con lợn sinh sản, 20 con lợn thịt, ngoài ra vợ chồng anh còn trồng thêm các loại rau màu với diện tích trồng từ 0,5 - 0,8 ha, phục vụ cho các trường học trên địa bàn xã và bán ra thị trường.

Nhận thấy hướng đi mới thật sự đem lại hiệu quả, từ số lãi có trong tay, anh tiếp tục vay mượn đầu tư nuôi 08 con trâu, 08 con lợn sinh sản, 35 con lợn thịt, 700 con gia cầm, thủy cầm. Không dừng lại ở đó, anh còn xoay sở làm thêm một số ngành nghề khác như bán hàng tạp hóa, thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm; làm nhân viên bán hàng thuê tại cây xăng... nhờ đó cải thiện đáng kể mức thu nhập lên 280 triệu đồng/năm.

Ngoài trồng củ cải, gia đình anh Mơi còn lựa chọn trồng nhiều loại rau màu khác như bắp cải, cải thảo... để cải thiện thu nhập.

Trong quá trình chăn nuôi, anh cũng luôn quan tâm đầu tư và xử lý các loại phụ phẩm, phế phụ của việc chăn nuôi, nhờ đó môi trường xung quanh luôn đảm bảo, không gây ô nhiễm đến môi trường.

Năm 2021, Công ty TNHH Việt Nam - Misaki liên kết với huyện Xín Mần trồng thử nghiệm 4 ha cây củ cải xuất khẩu. Nhận thấy gia đình anh Hoàng Văn Mơi vừa chịu thương chịu khó, vừa sẵn sàng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Công ty đã lựa chọn gia đình anh Mơi và một số gia đình khác. Tham gia dự án, anh được Công ty cung ứng giống, phân bón, được các chuyên gia của công ty và cán bộ chuyên môn của huyện, xã hỗ trợ kỹ thuật trồng. Chỉ sau 3 tháng, cây củ cải đã cho thấy sự thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây với sản lượng đạt 120 tấn/4 ha, thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô. Từ kết quả khả quan đó, năm 2022 công ty TNHH Việt Nam - Misaki tiếp tục liên kết với các hộ dân ở xã Xín Mần mở rộng diện tích trồng củ cải.

Từ những nỗ lực của bản thân, Hoàng Văn Mơi đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2021; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Xín Mần vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022; Giấy khen của cấp ủy, chính quyền xã qua các năm về có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, lao động sản xuất giỏi. Quan trọng hơn cả, từ lâu anh trở thành tấm gương làm giàu trên vùng đất khó để bà con các dân tộc nơi vùng cao biên cương học tập và làm theo.


Quốc Tiệp (T/h theo Báo Hà Giang, DangCongSan.vn)

Chia sẻ Facebook