Bộ phim được khuyến cáo phải xem

Chia sẻ Facebook
19/09/2022 11:34:54

Ấn tượng ban đầu về bộ phim đang được giới điện ảnh khuyến cáo “phải xem” (must watch) chính là đẹp, từ bối cảnh cho đến diễn viên, thậm chí cả những góc máy lia qua phòng tạm giam. Nhưng ngoài cái đó ra, tác phẩm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết best seller còn có gì đáng kể?


Ngay cả những khán giả duy mỹ nhất cũng rất khó bới móc về cái sự đẹp của Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (đạo diễn: Olivia Newman).

Bối cảnh đồng lầy gần cửa biển đẹp ngây ngất. Còn nữ chính (cả khi nhỏ và lúc lớn) đẹp đến nỗi tôi nghĩ rằng ngay cả khi phim này dở tệ, chỉ cần nhìn cô ấy thôi, thì cũng đủ rồi!

Bối cảnh phim đẹp như mơ.


Ở Việt Nam, phim phát hành từ đầu tháng 9. Có vẻ như lai lịch best seller của cuốn sách nguyên tác (tác giả: Delia Owens) không giúp gì nhiều cho phim. Trong khi tiểu thuyết gốc bán được sáu triệu bản trên toàn thế giới, 58 tuần nằm trong danh sách bán chạy của New York Times, dẫn đầu mục tiểu thuyết bán chạy của Amazon trong năm 2019 thì rạp chiếu phim lại khá vắng vẻ. Khi tôi đến mua vé cho suất xem 15 phút sau, mới chỉ có một người đăng ký trước, người bán vé thậm chí đã xin lỗi chúng tôi vì nếu không đủ 6 người thì sẽ không chiếu.

Rất may, đến phút cuối, có thêm 5 sinh viên cùng chúng tôi bao rạp.

Tiểu thuyết gốc Xa ngoài kia nơi loài tôm hát dẫn đầu mục tiểu thuyết bán chạy của Amazon trong năm 2019, ở Việt Nam cũng đã được tái bản đến lần thứ 5.


Phim kể về cô gái nhỏ Kya, một mình sống trong đồng lầy từ khi mới năm sáu tuổi. Nhờ vào sự giúp đỡ của trúc mã Tate, Kya đã biết đọc, biết viết và nhờ vào việc tự học, cô có vốn hiểu biết rất sâu sắc về thế giới tự nhiên.

Sở thích vẽ và kể lại về những sinh vật xung quanh mình khiến Kya trở thành một tác giả nổi tiếng. Việc này đã làm thay đổi cuộc sống của cô, trở thành một sợi dây kết nối Kya với “thế giới ngoài kia”.

Bé Kya bị cả gia đình bỏ rơi khi mới 5 tuổi.


Là đứa trẻ bị bỏ rơi, bắt đầu từ mẹ, đến các anh chị em và cuối cùng là người bố bạo lực, Kya lớn lên như cỏ dại, bị cả thị trấn (cách nơi cô sống 8 km) bài xích, sợ hãi và cảnh giác.

Họ nói với nhau “hãy cẩn thận” khi có ai đó muốn gần gũi hơn với cô. Về sau, khi Tate xuất hiện và đưa cho cô một cái lông chim, Kya nói: “Lần đầu sau khi mẹ và anh chị bỏ đi tôi cảm thấy một điều gì khác ngoài nỗi đau”.

Cũng là Tate, không chống nổi sự cám dỗ ngoài kia, im thin thít và lặn mất tăm suốt 5 năm. Kya thêm một lần trải nghiệm cảm giác bị bỏ lại. Nhưng cũng lại thêm một lần, thiên nhiên đã cứu cô, một tiếng chim kêu bên ngoài cửa sổ đã kéo cô gái không lần nữa rơi xuống đầm lầy của sự tuyệt vọng.

Tự nhiên dạy Kya những bài học mà trường lớp từ chối cô, chữa lành những tổn thương mà một đứa bé bị bỏ rơi phải gánh chịu, nó mang đến cho Kya gần như tất cả: Lý do để sống, hy vọng, và tiếp tục yêu thương...

Kya và Tate trong phim.


“Cứ khi tôi vấp ngã đầm lầy lại đỡ lấy tôi. Vào một lúc không tên nỗi đau rút đi như nước thấm vào cát”, những câu thoại đậm chất coach (khai vấn) xuất hiện khá dày trong phim, như lệ thường, cũng được chia sẻ rộng rãi.

Kya yêu lần nữa, không may, đối tượng Chase là một phiên bản trẻ hơn của người bố vũ phu. Cô bị bạo hành, bị đe dọa, phải lần nữa sống trong sợ hãi.

Đảm nhận vai Kya lúc trưởng thành là nữ diễn viên Daisy Edgar-Jone.


Phiên tòa xử nghi phạm Kya tội giết người khiến tôi nhớ đến phiên tòa xử Mersault trong Người xa lạ của Albert Camus, ở chỗ bằng cách nào đấy xã hội luôn từ chối cảm thông và công bằng với các cá thể khác với đám đông. Mersault từ chối nói dối dù phải đối mặt án tử, ở đây Kya cũng chọn thái độ tương tự: Từ chối lên tiếng tự bào chữa bất chấp ác ý và định kiến từng bước dồn họ vào chỗ chết.

May mắn hơn Mersault, Kya được một luật sư bào chữa trắng án. Cuộc sống của Kya trở lại an toàn vì kẻ săn mồi (Chase) đã chết, cô có danh tiếng (nhờ viết sách), tiền bạc và cả tình yêu. Thế nhưng, khi phim tua nhanh đến khi Kya già và chết, mới hé lộ ra, với cái chết của Chase, Kya không vô can.

Xa ngoài kia, nơi loài tôm hát được khán giả chấm đến 96% trên Rotten Tomatoes.


Sự thật này sẽ rất khó thông cảm nếu quy chiếu bằng đạo đức và pháp luật, nhưng lại hoàn toàn có thể lý giải nếu dùng “luật sinh tồn của tự nhiên”.

Kya là đứa bé do tự nhiên nuôi lớn, nên những hành xử mô phỏng cách vận hành của thế giới tự nhiên của cô được tính như nước chảy thành sông. Người (cũng như vật) luôn phải tìm cách để sống sót.

“Trong tự nhiên, để con mồi sinh tồn, đôi khi kẻ săn mồi phải chết”, Kya viết như thế trong nhật ký.

Chia sẻ Facebook