Bộ Nội vụ: 'Tách Tổng cục thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc không chồng chéo'

Chia sẻ Facebook
21/06/2022 11:07:22

Tại cuộc họp báo sáng 20-6, đại diện Bộ Nội vụ nêu rõ việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam xét về mặt đối tượng không có sự chồng chéo.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại buổi họp báo - Ảnh: TH.HẰNG


Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam cho biết việc sắp xếp bộ máy của các bộ ngành phải bám sát quan điểm, mục tiêu nguyên tắc sắp xếp sao cho tinh gọn, giảm cấp trung gian.

“Khi Bộ Giao thông vận tải có ý kiến chính thức, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo và có ý kiến chính thức về việc này”, ông Nam nói.

Về ý kiến cho rằng, việc tách ra làm 2 đơn vị quản lý sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - biên chế cho rằng, với đường bộ hiện đang có sự phân cấp giữa trung ương và địa phương. Trung ương quản lý các tuyến quốc lộ, địa phương quản lý tỉnh lộ và huyện lộ.

Hiện có 3 tiêu chí thành lập tổng cục được quy định rất rõ trong nghị định 101/2020 của Chính phủ. Đối chiếu vào đó thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ, liên quan đến việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.

Ông Nam phân tích, quốc lộ, đường cao tốc là huyết mạch giao thông, có sự quan tâm quản lý tập trung tương đối đồng bộ và thống nhất trên cả nước. Nhưng bên cạnh đó còn có hệ thống tỉnh và huyện đang được Chính phủ tính tới đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tham gia quản lý, bảo trì, giải phóng mặt bằng, đầu tư...


"Xét về mặt đối tượng, dưới góc độ nghiên cứu của chúng tôi thì không có sự chồng chéo. Trong đường bộ có đường cao tốc, nhưng đường cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo ra động lực tăng trưởng mới nên cần có phương thức quản lý tập trung thống nhất.

Phương thức quản lý đường cao tốc hiện nay khác đường bộ. Đường cao tốc được xây dựng mới, thu hút nguồn lực nên cần có quản lý riêng, tập trung hơn. Vì vậy phải xem phương án như thế nào cho thống nhất, hợp lý", ông Nam phân tích.

Trong trường hợp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất trong quản lý, vừa tinh gọn vừa hiệu quả.

Nêu ý kiến sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc sắp xếp là chủ trương lớn của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, nghị quyết của Quốc hội, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần giảm các đầu mối trung gian, tầng nấc.

Do đó, với những đơn vị không đảm bảo tiêu chí của tổng cục, thì sẽ sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trừ trường hợp đặc biệt mới xem xét.

"Tinh thần là phải sắp xếp lại hết, không thể linh hoạt được với tổng cục và tương đương, đối với cấp vụ, cấp phòng cũng vậy. Sau khi sắp xếp sẽ giảm rất nhiều cục, vụ, phòng", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí ngày 20-6 về việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Chia sẻ Facebook