Bộ Nội vụ: Cần đánh giá kỹ nguồn nhân lực tham gia phối hợp xử lý nợ xấu ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố bảng tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cần đánh giá kỹ nguồn nhân lực tham gia phối hợp xử lý nợ xấu ngân hàng
Tại hồ sơ đề nghị xây dựng Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ngân hàng Nhà nước đề xuất nhiều quy định về sự tham gia của các cơ quan chức năng trong vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu.
Trong đó, một số chính sách như: Về quyền thu giữ tài sản, bổ sung quy định trách nhiệm của UBND cấp xã ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Chính sách sửa đổi, bổ sung quy định về mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai được đề xuất sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm đối với việc đăng ký thế chấp.
Chính sách mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án của bên phải thi hành án đối với tài sản bị cưỡng chế, bảo đảm thi hành án; Chính sách về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự ; Chính sách về chuyển nhượng tài sản bảo đảm; Chính sách sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng…
Góp ý về các nội dung nêu trên, Bộ Nội vụ cho rằng, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chưa thể hiện và chưa có phân tích, đánh giá cụ thể về nguồn nhân lực thực hiện các chính sách này.
Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung phân tích, đánh giá kỹ, đầy đủ nguồn nhân lực để đảm bảo tính khả thi sau khi Luật được thông qua; đồng thời phải bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị trung ương 6 khóa XII.
Với nội dung góp ý này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bổ sung nội dung nguồn nhân lực trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ sự cần thiết, mục đích, hiệu quả của việc giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã xác nhận việc niêm yết thông báo thu giữ tài sản bảo đảm.
Trong trường hợp cần quy định nội dung này trong dự thảo luật, đề nghị có quy định phù hợp với những địa phương thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị và địa phương không tổ chức chính quyền cấp xã (huyện đảo…); bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tiếp cận thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ nghiên cứu nội dung này trong quá trình xây dựng dự thảo Luật.
Xử lý tài sản bảo đảm là nợ xấu
Đối với nội dung đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị Ngân hàng Nhà nước lưu ý về đề xuất sửa Điều 132 Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là nợ xấu thì tổ chức tín dụng được nhận chính tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất mà không phụ thuộc vào mục đích sử dụng sau khi nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức tín dụng.
Đồng thời, cần có quy định cụ thể thời gian tổ chức tín dụng phải bán tàn sản sau khi được chứng nhận quyền sử dụng đất tránh tình trạng nợ đọng vốn, làm ảnh hưởng đến đến hệ thống tín dụng, ngân hàng.
Với nội dung góp ý này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã bổ sung nội dung này tại Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động và dự thảo Kết quả nghiên cứu rà soát Luật Các tổ chức tín dụng.
Tuệ Minh