Bộ NN-PTNT ra công điện khẩn phòng cúm gia cầm (A/H5) lây sang người
Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn đề nghị các địa phương kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm sau khi phát hiện người nhiễm cúm (A/H5) trở lại, sau 8 năm không ghi nhận ở Việt Nam.
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ký ngày 21/10, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 77.000 con gia cầm.
Dịch bệnh cúm gia cầm có nguy cơ lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, chưa an toàn dịch bệnh, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc-xin; virus cúm gia cầm (các chủng virus A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8…) lưu hành ở nhiều địa phương với tỉ lệ khá cao (khoảng 6%).
Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5…) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 5/10 đã có 1 trường hợp người nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm virus cúm A/H5); nâng tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 (chiếm 50%) trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1 trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.
Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện biện pháp tiêm phòng; chủ chăn nuôi gia cầm cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất…
Ca nhiễm cúm A/H5 tại Phú Thọ là bé gái 4 tuổi
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, ca nhiễm cúm A/H5 đầu tiên này là một bé gái 4 tuổi, địa chỉ tại khu 10, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Trước đó ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ.
Ngày 7/10, bệnh nhi xuất hiện mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, nôn nhiều, gia đình đưa bệnh nhi đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba khám và được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân; chuyển tuyến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ.
Tại Bệnh viện, trẻ được thăm khám khám và cũng được chẩn đoán: Suy gan cấp, suy thận cấp chưa rõ nguyên nhân.
Ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Đến ngày 10/10, trẻ được Viện Nhi Trung ương xét nghiệm xác định nhiễm cúm A/H5.
Ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định dương tính với virus cúm A/H5.
Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp, đặt nội khí quản, đang nằm điều trị tại Khoa điều trị tích cực nội – Bệnh viện Nhi Trung ương với chẩn đoán suy gan cấp, thận cấp/Sốc nhiễm khuẩn/Suy đa tạng/Cúm A/H5.
Đáng chú ý, theo người nhà của bệnh nhi, khoảng 1 tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Các hộ xung quanh nơi gia đình bệnh nhi sinh sống chưa phát hiện hộ gia đình chăn nuôi gia cầm, thủy cầm có biểu biểu hiện ốm, chết; chưa phát hiện người mắc bệnh giống như bệnh nhi.
Theo thông báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, kết quả giám sát cúm gia cầm tại tỉnh trong tháng 3 năm 2022 có lưu hành virus cúm gia cầm chủng độc lực cao: 2 mẫu dương tính với A/H5N6 và 4 mẫu dương tính với chủng A/H5N1 tại 5 xã thuộc 2 huyện, gồm: Sơn Thủy, Hoàng Xá, Bảo Yên, Đồng Trung huyện Thanh Thủy; xã Mỹ Thuận huyện Tân Sơn, toàn bộ gia cầm tại các xã trên đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Minh Long
Việt Nam nguy cơ dịch chồng dịch: COVID-19, sốt xuất huyết, cúm A, đậu mùa khỉ
Số ca COVID-19 mắc mới và bệnh nặng gia tăng trở lại, sốt xuất huyết bùng phát, cúm A phức tạp, đậu mùa khỉ có khả năng xâm nhập... khiến Việt Nam có nguy cơ…