Bộ Ngoại giao Mỹ: án tù cho nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam là bất công
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại trước việc Việt Nam tuyên án tù đối với những nhà đấu tranh vì quyền của dân tộc thiểu số và quyền tự do tôn giáo, đặc biệt là 5 bản án kể từ tháng 1/2024.
Chụp lại hình ảnh,
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu với giới truyền thông sau cuộc gặp với Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9/2023
2 tháng 4 2024
Trong tuyên bố được đưa ra vào hôm thứ Hai (ngày 1/4), Bộ Ngoại giao Mỹ viết:
“Chúng tôi đặc biệt lo ngại về bản án 13 năm tù gần đây của Y Krếc Byă - một tiếng nói ôn hòa vì quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về bản án nhiều năm tù đối với Nay Y Blang, Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương vì hoạt động ủng hộ nhân quyền của họ tại Việt Nam, trong đó có quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.
Những bản án ‘bất công’
Vào ngày 28/3, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Y Krếc Byă - một nhà truyền đạo thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Ông bị tuyên án 13 năm tù về tội "Phá hoại chính sách đoàn kết".
Những cái tên khác trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đều bị tuyên án trong năm nay. Ông Nay Y Blang - cũng thuộc Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên - bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên án 4 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ba nhà hoạt động còn lại đều bị kết án với tội danh tương tự ông Nay Y Blang. Ông Danh Minh Quang bị TAND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tuyên mức án 3 năm 6 tháng tù giam vào ngày 7/2.
Ngày 20/3, TAND huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh tuyên án 4 năm tù đối với ông Thạch Cương và 3 năm 6 tháng tù đối với ông Tô Hoàng Chương.
Việt Nam lên kế hoạch cải cách công đoàn, công ty nước ngoài lo lắng 27 tháng 2 năm 2024 Thấy gì từ tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Chính trị Việt Nam về ‘đảm bảo an ninh quốc gia’ 1 tháng 3 năm 2024 Nhân quyền Việt Nam: ‘Một năm u ám’ 13 tháng 1 năm 2024
Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định đây là những bản án bất công và lần nữa yêu cầu Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động này.
“Chúng tôi kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền của các cá nhân trong việc thực hiện các quyền tự do ngôn luận, lập hội và tôn giáo hoặc tín ngưỡng,” Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nêu lên quan ngại về vấn đề nhân quyền . Cụ thể, website Nhà Trắng dẫn lời ông Biden:
“Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này.”
Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng ông Biden đã không lên tiếng đủ mạnh cho nhân quyền tại Việt Nam và Ấn Độ vì phải ưu tiên cho mối quan hệ hợp tác chiến lược.
“Chính quyền Biden rõ ràng đang gạt nhân quyền sang một bên để thúc đẩy quan hệ đối tác với các chính phủ mà họ coi là quan trọng về mặt chiến lược – đồng thời gửi đi thông điệp rằng Mỹ sẵn sàng dung thứ cho những hành vi xâm phạm nhân quyền trắng trợn,” Reuters dẫn lời bà Carolyn Nash, giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại châu Á.
Những vụ bắt giữ khác
Chụp lại hình ảnh,
Các blogger bị công an Việt Nam bắt vào cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2024. Từ trái qua: Hoàng Việt Khánh, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình
Ngoài những bản án được đề cập trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam đã khởi tố, bắt giữ nhiều nhà hoạt động trong thời gian gần đây . Động thái này bị các nhóm hoạt động lên án là hành vi đàn áp nhân quyền và diễn ra trong bối cảnh một chỉ thị mật của Đảng Cộng sản Việt Nam bị rò rỉ cho thấy đảng sẽ mạnh tay với các hành động đối kháng.
Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ba người chỉ trích nổi tiếng chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) trong khoảng thời gian cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2024.
Cụ thể, công an Việt Nam đã bắt giữ blogger Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình vào ngày 29/2. Sau đó, họ đã bắt giữ Hoàng Việt Khánh vào ngày 1/3. Cả ba người đều bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.
Nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ blogger Nguyễn Chí Tuyến, cho hay thời gian trước đó ông Tuyến thường xuyên nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện thông báo việc ông bị cấm xuất cảnh.
Bà cũng nói rằng ông "không làm gì sai" khi chỉ phản biện các chính sách, đường lối của đảng và nhà nước – những điều mà "chính phủ Việt Nam cũng rất khuyến khích người dân tham gia".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 163 tù nhân chính trị.
“Chính phủ Việt Nam cần chấm dứt việc đàn áp các blogger, các nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động, đồng thời trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ,” HRW lên tiếng trong một báo cáo.