Bỏ ngay tư duy làm việc như “máy xay” không ngừng nghỉ, nếu không muốn tự hủy hoại cuộc sống và công việc

Chia sẻ Facebook
03/07/2022 11:08:28

Nếu vẫn nghĩ rằng lao đầu vào làm việc như thiêu thân là giải pháp tốt nhất, đã đến lúc ta cần thay đổi tư duy.

Làm việc “như máy xay” có thực sự hiệu quả?


Làm việc liên tục, ví dụ như 18 giờ một ngày, hoàn toàn không mang lại nhiều hiệu quả như mọi người vẫn nghĩ.


Rất nhiều người nổi tiếng vì làm việc hiệu quả đưa ra vô số những lời khuyên rằng ta nên lao đầu vào làm việc hăng say từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ. Tỉ phú Elon Musk là một hình mẫu điển hình về việc làm việc quên thời gian.


Dù những thành công ông đã và đang gặt hái là không thể chối cãi, thì bản thân ông cũng gặp phải những vấn đề nhất định về tinh thần, mà biểu hiện rõ nhất ở việc ông thường xuyên lên Twitter đăng bài, trong đó có nhiều bài viết có nội dung không đâu.


Trên thực tế, đối với nhiều giám đốc điều hành cấp cao, định nghĩa về làm việc liên tục của họ khác xa với những gì ta nghĩ. 18 giờ làm việc ở đây bao gồm ăn tối, di chuyển, giao lưu tại các quán bar khách sạn và các chuyến đi chơi gôn kéo dài nhiều giờ với các đối tác, diễn ra nhiều lần trong một tháng.


Mỗi giây phút tỉnh táo, họ đều tự nhận mình đang “làm việc”, và rõ ràng điều này đúng - họ đang làm việc không phải nhờ khả năng chuyên môn quá xuất chúng, mà nhờ vào khả năng kết nối và lôi cuốn người khác. Hầu hết những người này chỉ có xuất phát điểm ở mức trung bình khi bắt đầu, nhưng tất cả đều thăng tiến nhanh do khả năng thích ứng, không phải do năng suất lao động quá ghê gớm.


Hiểu được bản chất của “làm việc liên tục” như vậy, ta càng hiểu rõ hơn về những gì cần tránh, và những gì cần làm.

Những hậu quả khôn lường


Hãy thử cố gắng làm việc hiệu quả trong khoảng 10 giờ liên tục mỗi ngày và xem điều gì sẽ xảy ra. Ta sẽ dễ cáu kỉnh. Ta cũng sẽ mệt mỏi. Sức khỏe tinh thần sẽ bắt đầu suy kiệt không ngừng. Các kỹ năng xã hội cũng sẽ bị mai một.


Đó chỉ là những tác động có tính ngắn hạn, rõ ràng sau một vài tuần. Còn về lâu dài, hậu quả còn có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Chỉ riêng việc thiếu ngủ (vốn là một lý do khiến ta không thể làm việc liên tục mỗi ngày, trực tiếp gây suy giảm năng suất lao động) đã có thể dẫn tới bệnh alzheimers nếu diễn ra triền miên trong thời gian dài. Thêm vào đó, những người thiếu ngủ trong thời gian dài cũng gặp phải tình trạng suy giảm chỉ số IQ ở mức đáng báo động.

Đừng cố gắng "sai lầm"


Hãy thử đặt mục tiêu 3 giờ thực sự tập trung để bảo đảm năng suất làm việc mỗi ngày. Sự tập trung cao độ sẽ giúp ta tiến rất xa, rất nhanh. Khi đã chắc chắn ở mức 3 giờ, hãy thử tăng thời gian lên 4–5 giờ. Nếu bắt đầu cảm thấy kiệt sức, hãy giảm xuống còn 2 giờ.


Trên thực tế, nếu một người nghĩ rằng bản thân đang làm việc hiệu quả ở ngưỡng trên 5 giờ với một công việc yêu cầu cao về tư duy, trí tuệ,  chắc chắn rằng người đó đang không làm việc hiệu quả. Hãy biết cách sử dụng ý chí của bản thân để duy trì sự tập trung ở mức cần thiết, trong khoảng thời gian phù hợp mỗi ngày. Đó là giải pháp tốt nhất để bảo đảm năng suất làm việc tối đa.


Tóm lại, làm việc liên tục hàng chục tiếng đồng hồ ngày qua ngày không thực sự lí tưởng như nhiều người vẫn nghĩ, và không mang lại một cuộc sống lao động như ý. Ta chỉ có thể đạt được nhiều hơn bằng cách làm ít hơn. Do đó, hãy từ bỏ tư duy làm việc như “máy xay” không ngừng nghỉ, để cả cuộc sống và công việc đều được viên mãn, đủ đầy.


Theo medium

Chia sẻ Facebook