Bố mẹ tệ không phải lỗi của con
Tôi chẳng mong gì hơn rằng các cha mẹ nếu không thể cho con một gia đình hạnh phúc, làm ơn, đừng để con mình phải chịu với những đổ vỡ của cha mẹ.
Tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ lớn lên với những vết thương sâu. Những vết thương từ lời nói của mẹ về bố, lời nói của bố về mẹ. Và cả những vết thương mà chính chúng gây ra cho bản thân chúng. Vì chúng khác các bạn bè của chúng- những đứa trẻ đầy đủ cha mẹ, có cha mẹ hạnh phúc.
Lũ trẻ. Chúng chẳng hề có lỗi gì cả trong việc có người cha tệ hại hay người mẹ chưa đủ tốt. Nhưng tại sao chúng phải chịu vết thương này, tội lỗi này? Gặp nhiều đứa trẻ tôi mới nhận ra thứ chúng đau không phải những lời kết tội của cha về mẹ, của mẹ về bố chúng. Mà thứ khiến chúng đau đớn lại là do chính chúng tự gây ra với bản thân.
Như những đứa trẻ căm hận người cha đến mức chụp ảnh cùng nhau cũng thấy đau đớn. Hay những đứa trẻ không thèm nhìn mặt mẹ mình vì “bà ấy đã bỏ rơi bố của con”.
Tệ hơn, những đứa trẻ có bố ngoại tình hoặc mẹ ngoại tình còn đau hơn nữa. Không chỉ suy nghĩ lệch lạc về hôn nhân sau này, chúng còn lớn lên với nỗi đau kéo dài. Thậm chí, chúng cũng lặp lại chính hành vi ngoại tình ấy.
Tôi từng khuyên nhủ nhiều đứa trẻ như thế. Rằng: Bố mẹ ly dị không phải lỗi tại con. Bố con tệ không phải lỗi tại con. Mẹ con bỏ đi không phải vì đã hết thương con. Nhưng những lời khuyên đó như nước đổ lá khoai. Bởi lũ trẻ không tin, không nghe. Chúng chỉ tin những gì mắt chúng thấy.
Càng yêu mẹ, chúng càng hận bố. Càng thương bố, chúng càng phẫn nộ với mẹ. Là chúng thấy người mẹ của chúng vất vả một mình nuôi con. Là chúng thương người cha “gà trống nuôi con”.
Còn là chưa kể khi chúng chứng kiến những đứa trẻ khác có đầy đủ cha mẹ. Chúng không có nhiều trải nghiệm sống nên chúng thấy mình khổ nhất trong đám bạn.
Nhiều đứa trẻ vì thế mà thành ngỗ ngược, tấn công bạn bè, bạo lực với bạn bè hoặc co cụm lại. Tệ hơn, chúng trở thành những đứa trẻ đầu óc tiêu cực.
Nhà văn Hoàng Anh Tú