Bố mẹ khoe con với họ hàng, tâng bốc đến mức con xấu hổ không dám về

Chia sẻ Facebook
01/05/2023 15:42:32

Đôi khi niềm tự hào của bố mẹ lại khiến con cái cảm thấy áp lực đến mức không dám về nhà. Bởi trên thực tế những thành tựu mà họ đạt được chưa tới mức bố mẹ khoe.

“Ôi cháu nhà em từ ngày đi học em có phải mất đồng nào đâu, nó còn được mấy cái học bổng của trường đấy”, “bây giờ con nhà em lên làm sếp rồi”, “các cháu cần gì thì cứ gọi anh, gọi chị giúp cho”,... những câu nói ấy khiến nhiều bạn trẻ không dám về quê đối diện với họ hàng. Thậm chí không dám nhận cuộc gọi từ người thân vì không biết giấu mặt đi đâu.

Đối với các bậc phụ huynh con cái là niềm tự hào của cha mẹ. Ai cũng muốn con cái có công ăn việc làm, không chỉ nuôi sống bản thân mà còn giúp bố mẹ nở mày nở mặt. Nhất là với các gia đình họ hàng đông, mỗi dịp tụ họp là một lần các bà, các mẹ khoe con khoe cháu, không ai chịu nhường ai. Và hậu quả là phận con cháu như chúng tôi phải chịu.



Đôi khi sự tự hào của bố mẹ lại có chút thổi phồng sự thật khiến. (Ảnh minh họa: PAD20)


Bố mẹ khoe con bất chấp đúng sai

Trong họ nhà tôi có một chị học Báo truyền hình, chỉ mới thi đỗ vào trường mẹ chị đã đi khoe khắp họ hàng sau này con bà sẽ lên tivi. Khi chị học năm 2, mẹ chị đã khoe chị được mấy đài truyền hình chào mời. Mỗi khi về quê có giỗ gặp chị lại lảng đi, nghe các bác hỏi mà chỉ dám cười trừ. Lúc sau chị cũng tâm sự với tụi tôi là mẹ chị cứ thích khoe vậy thôi chứ không phải đâu.


Thế rồi chị cũng học năm 4, một lần đi chợ cùng chị tôi nghe một bác hỏi "có phải cháu vừa lên VTV1 không? Dẫn chương trình thời sự mà giấu à? Phải viết một bài báo giới thiệu quê mình đấy nhé" . Tôi và chị nghe xong không khỏi sốc, chị cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra cho tới khi xem được video bài tập được mẹ chị đăng lên mạng. Hóa ra đó là một bài tập mà nhóm chị làm có dựng chèn nhạc hiệu, logo chương trình vào làm bài tập. Việc này với người trẻ chúng tôi ai cũng rành nhưng các bà, các bác lại không hiểu cho rằng chị đã lên tivi mà giấu.



Tâm lý của bố mẹ không bao giờ muốn con mình thua kém con nhà người ta. (Ảnh minh họa: Mksucai)


Nghe đến đây chị cãi nhau với mẹ một trận tơi bời rồi bỏ luôn lên thành phố. “Mẹ ơi sao mẹ cứ suốt ngày khoe khoang mấy cái không phải thật thế. Đấy là bài tập của con thôi. Mẹ làm thế con xấu hổ lắm. Rồi các bác nhờ con lấy gì mà giúp?”.


Một anh khác trong họ học giao thông vận tải cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đi đến đâu mẹ anh cũng khoe "sau này ra đường có vấn đề gì thì cứ gọi cháu Lâm nhà em". Thấy thế một bác bên cạnh cũng tâng bốc theo, “Đấy hôm trước bị cảnh sát giao thông gọi vào mà không biết gọi Lâm nhỉ”. Anh Lâm nghe đến đây thì cũng cạn lời “gọi cháu thì làm được gì đâu, cháu có quen biết gì mấy anh đấy đâu” . Ngay lập tức các bác khiến anh Lâm trở tay không kịp: “Lại còn giấu à? Hay là không muốn giúp các bác, các em chứ gì? Các cháu được ra ngoài ăn học đàng hoàng thì phải biết giúp đỡ người nhà, họ hàng trước nghe không”.

Thấy vậy đám con cháu chúng tôi cũng chỉ biết cười cho qua chuyện. Ai cũng hiểu đấy là câu chuyện tầm phào trên bàn ăn mà thôi. Vậy nhưng chuyện đâu có đơn giản như vậy. Từ một người, hai người đến ba người, năm người thậm chí cả làng đồn thổi ầm lên. Cũng vì thế mà đã lâu lắm rồi tôi chẳng còn thấy anh Lâm ở quê mỗi dịp nghỉ lễ nữa.



Sự tâng bốc quá đà của bố mẹ sẽ khiến con cái xấu hổ. (Ảnh minh họa: Như Ý)


Tâng bốc đến mức con xấu hổ

Đối với các bậc phụ huynh ai cũng mong muốn con cái của mình có thể tài giỏi, xuất sắc hơn người. Có thể trước mặt con, bố mẹ không mấy khi khen ngợi nhưng trước mặt bạn bè, họ hàng con cái luôn là nhất. Thậm chí, không ít người sẽ cố tình thêm thắt một số chi tiết để thành tích của con được nổi bật hơn.

Tôi có một cô em đồng nghiệp từng hào hứng kể một lần em vô tình về nhà thấy bố mẹ đang khoe mình với hàng xóm. Lúc đó em ấy bất ngờ lắm vì bình thường toàn thấy bố mẹ mắng mình thôi, hôm nay lại được khen. Thậm chí còn tâng bốc đến mức em cũng phải ngượng. Lúc đó, cô bé này cảm thấy rất vui vì bố mẹ công nhận mình. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Đến một ngày tôi thấy cô bé mặt nặng mày nhẹ đến công ty. Hỏi ra mới biết vì bố mẹ tâng bốc quá đà mà nó đang bị mấy chị hàng xóm mỉa mai.



Sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ khiến con cái cảm thấy ngột ngạt. (Ảnh minh họa: Rafflesmedical)


Chuyện là bố mẹ cô bé khoe em mới ra trường mà đã có lương 20 triệu đồng/1 tháng. Tháng lương đầu tiên thì mua quà cho cả nhà, còn mua vàng cho cả mẹ. Điều này khiến cô em cũng không tin vào tai mình. Thế là mấy chị hàng xóm bị bố mẹ mang ra so sánh “nhìn con nhà người ta kia kìa” . Kể từ đó cô em đồng nghiệp của tôi bị các chị hàng xóm ghét lắm. Vừa gặp cô bé đi mua trà sữa về đã cạnh khóe: “Lương 20 triệu mà cũng uống trà sữa à em?” . Mặc dù muốn giải thích nhưng vì là lời bố mẹ nói ra nên cô bé này cũng đành âm thầm chịu đựng.

Cô bạn thân thời đại học của tôi cũng đang đau đầu vì phải lo tìm chỗ thực tập cho em họ ở quê. Cũng vì ngày trước mẹ nó cứ tâng bốc nó mãi nên cô em này mới quyết định học theo. Mẹ nó cũng đi khoe với hết các bác sau vài năm ra trường nó đã lên sếp rồi, xin cho em một chân thực tập là điều đơn giản. Thế nhưng khổ nỗi bạn tôi vừa mới chuyển ngành, không làm lĩnh vực đó nữa. Trước khi rút khỏi chỗ làm cũ cũng không mấy vui vẻ gì, nên chuyện xin một chân thực tập là điều không tưởng.



Không ít các bậc phụ huynh có sở thích khoe tiền lương của con với họ hàng. (Ảnh minh họa: Acabiz)

Cô bạn của tôi cũng không muốn làm bố mẹ mất mặt vì họ đã trót nhận lời. Nhưng thực sự để xin một chân thực tập cho em vào cơ quan cũ thì không biết mở lời như thế nào. Mấy ngày hôm nay mẹ của cô bé đó cứ gọi liên tục hỏi tình hình khiến bạn tôi xấu hổ chẳng dám nghe máy.

Đó cũng là tâm trạng của Huyền My hiện đang là sinh viên năm cuối ở Hà Nội khi nghe mẹ ngày ngày tâng bốc mình. Thời điểm thi đại học, My chỉ vừa đủ điểm đỗ vào trường nhưng suốt những năm nay mẹ đều kể với các cháu trong họ chị My ngày xưa là thủ khoa. Rồi cả trường cấp 3 có mỗi mình chị My đỗ trường này. Nhưng trên thực tế, bạn bè của My còn đỗ nhiều trường top đầu với số điểm cao hơn.

Khi My phản bác lại thì mẹ lại chuyển từ thủ khoa sang á khoa khiến cô bạn vô cùng đau đầu. Với lý lẽ này chỉ có thể lừa được các bậc phụ huynh mù mờ công nghệ còn với thế hệ Gen Z hiện giờ chỉ cần phút mốt là lên mạng tra xong ai thủ khoa, ai á khoa ngay. Đã từng có một cô bé làm ngay điều đó trước mặt My khiến cô nàng cảm thấy vô cùng xấu hổ. My cũng chỉ đành cười trừ bảo rằng “chắc mẹ chị nhớ nhầm”.



Thành tích học tập của con cũng là một trong những yếu tố được phụ huynh hay mang ra so kè với nhau. (Ảnh minh họa: DAN)


Mát mặt phụ huynh nhưng xấu mặt con trẻ

Các bậc phụ huynh luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con, muốn khoe thành tích của con với bàn dân thiên hạ không có gì sai. Nhưng trước khi làm gì cần nghĩ đến cảm nhận của con cái xem chúng có thực sự mong muốn điều đó hay không. Đôi khi là thành tích thật nhiều người còn không muốn khoe ra chứ chưa nói đến thành tích ảo.

Việc phụ huynh mặc sức khoe con bất chấp đúng sai sẽ vô tình khiến con trẻ cảm thấy tổn thương. Đầu tiên, nếu thành tích đó không phải thật mà chỉ là bố mẹ tâng bốc thì chứng tỏ bản thân con cái vẫn chưa đạt được kỳ vọng của bố mẹ. Cũng chính vì thế bố mẹ mới phóng đại thành tích của con cái lên để khoe cho bằng “con nhà người ta”. Thứ hai, việc khoe thành tích sai sự thật nếu bị phát hiện người bị ảnh hưởng nhiều nhất cũng chính là con trẻ. Người ta sẽ cho rằng đứa con là người thích nói dối, thích ra vẻ ta đây khi bản thân không đạt được.



Những lời tâng bốc thái quá của bố mẹ khi bị người khác phát hiện sẽ khiến con cái xấu hổ. (Ảnh minh họa: SHUTTERSTOCK)

Bên cạnh đó, khi một lời nói dối xuất hiện chúng ta sẽ phải liên tiếp dùng các lời nói dối khác làm lá chắn. Giữa bố mẹ và con cái sẽ dần hình thành khoảng cách bằng những lời nói dối. Con trẻ cũng sẽ bị áp lực phải cố gắng đạt bằng được những lời nói trước đó của bố mẹ.

Cách nhà tôi vài nhà có một chị hàng xóm hơn tôi 2 tuổi học y dược. Ngay từ khi chị chưa ra trường bố mẹ đã đi kể khắp làng trên xóm dưới chị được một bệnh viện gần nhà trả 80 triệu đồng để mời về làm nhưng chị không chịu. Khi nghe thấy điều này tôi và cả lũ bạn cùng tuổi lại cười phá lên. Bởi thực chất chị gái hàng xóm đó chỉ học trung cấp y, làm gì có chuyện được bệnh viện mời về làm, lại còn trả thêm tiền. Điều này nhanh chóng được bàn tán làng trên xóm dưới khiến chị ấy không khỏi xấu hổ. Mỗi lần thấy chị ra ngoài bên bịt kín mặt. Lâu lâu tôi lại nghe thấy chị và mẹ to tiếng về vấn đề này.



Những lời tâng bốc thái quá sẽ tạo thành khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. (Ảnh minh họa: VOV)

Vậy mới thấy, đôi khi chỉ những lời nói vô tình muốn mát mày mát mặt của bố mẹ lại khiến con trẻ phải chịu đựng những điều tiếng không hay. Trên thực tế, phụ huynh cũng chỉ muốn thể hiện niềm tự hào về con cái của mình nhưng chưa làm đúng cách. Các bạn hãy giải thích cho bố mẹ hiểu những điều mà bản thân phải chịu đựng. Chỉ cần đôi bên có sự mở lòng, lắng nghe thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết.


Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào? Cùng để lại bình luận bên dưới với YAN nhé. Và đừng quên theo dõi Camera Xóm để cập nhật thêm nhiều tin tức đời sống xã hội thú vị.

Đối với các bậc phụ huynh ai cũng mong mỏi con cái của mình đạt được thành tích nổi bật, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Chính vì thế, khi thấy những người khác có thành tích, việc bố mẹ chủ động tâng bốc con hơn để khoe khoang cũng là điều dễ hiểu. Thực chất họ chỉ không muốn con cái của mình thua bạn kém bè. Tuy nhiên, sự việc nào cũng có hai mặt của nó. Nếu phụ huynh làm điều đó một cách thường xuyên và không có điểm dừng thì mọi hậu quả con cái sẽ phải gánh chịu.


Xem thêm các bài viết tương tự TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook