Bố mẹ đẻ lo của hồi môn cho con gái, cưới về bị mẹ chồng đòi giữ hộ
Bố mẹ đẻ luôn muốn cho con của hồi môn lớn nhất trong khả năng của mình. Thế nhưng khi cưới về, nhiều cô dâu gặp cảnh khó xử vì mẹ chồng nằng nặc đòi giữ của hồi môn.
Nhiều bố mẹ phải tích góp cả đời, thậm chí đi vay mới có một khoản hồi môn hậu hĩnh để tặng con gái khi về nhà chồng. Thế nhưng trớ trêu thay, cưới chưa được bao lâu, con gái nước mắt ngắn dài vì mẹ chồng đòi giữ hộ toàn bố của cải đó.
Của hồi môn ngày càng “lên giá”
Từ xa xưa, khi con gái về nhà chồng, bố mẹ sẽ dành tặng một số tiền, vàng hay của cải gì đó gọi là cửa hồi môn. Nó xuất phát từ tình thương của bố mẹ và mong muốn con gái có cuộc sống mới sung túc, ấm no hơn. Từ trước đến nay, mọi người đều không quá coi trọng của hồi môn bởi nó còn phụ thuộc vào kinh tế bậc sinh thành. Bố mẹ nuôi con ăn học khôn lớn đã là điều may mắn, hà cớ gì chỉ trông chờ vào giá trị của chúng khi lấy chồng.
Tuy nhiên, những năm gần đây, của hồi môn trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết khi những cái tít gây sốt về của hồi môn luôn xuất hiện trên mạng xã hội. Không ít cô dâu khi về nhà chồng được bố mẹ tặng siêu xe, biệt thự hàng chục tỷ đồng hay thậm chí cổ phần công ty với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Những cụm từ: “Cô dâu An Giang được bố mẹ tặng 540 tỷ đồng”, “đám cưới miền Tây cô dâu nhận hơn 100 tỷ đồng”, “đám cưới có của hồi môn khủng lên tới cả nghìn tỷ đồng’... chẳng còn quá xa lạ và dường như nó vô tình gây nên áp lực khá lớn trong cộng đồng.
Bố mẹ “méo mặt” vì muốn con bằng bạn bằng bè
Bây giờ xã hội ngày càng hiện đại, con người không chỉ ganh đua về tri thức, tiền bạc, đồ áo, trang sức… mà thậm chí là cả của hồi môn. Nhất là tại những vùng quê khi hàng xóm, láng giềng thân thiết với nhau, những câu chuyện đầu môi về gia đình này, gia đình kia cho con bao nhiêu tiền khi về nhà chồng được đưa ra bàn tán rầm rộ. Cũng vì áp lực vô hình đó mà không ít bậc phụ huynh đỏ mắt, tìm mọi cách mua vàng, mua xe hay đất, cho tiền để con về nhà chồng được danh giá, cho bằng bạn bằng bè.
Hay thậm chí, một số trường hợp còn oái ăm hơn khi mẹ chồng để ý từng li từng tí về việc con dâu được cho bao nhiêu. Chính vì sợ con về nhà bên kia bị bắt nạt, xem thường, bố mẹ dù không có nhiều cũng cố gắng vay mượn để mong trong ngày cưới con được “ngẩng cao đầu” với số hồi môn rủng rỉnh.
Chị Hải Linh (30 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết: “Nhớ lại ngày về nhà chồng mà bây giờ vẫn buồn. Bố mẹ mình làm ruộng thì lấy đâu ra nhiều tiền. Ngày cưới phải chật vật mới lo được cỗ cưới cho con sao cho sang trọng đủ đầy. Đến khi trao quà hồi môn cũng vì mẹ chồng khó tính, căn ke nên 2 ông bà cố gắng vay mượn thêm mua cho con ít vàng, trang sức. Nhìn đôi tay bố mẹ đen nhẻm, gầy guộc run run trao cho con từng chiếc nhẫn vàng trước mặt mọi người mà mình rưng rưng nước mắt. Bởi mình biết rõ đó là số tiền bố mẹ phải chạy vạy rất nhiều nơi mới có được”.
Thiết nghĩ, mọi việc chỉ thật sự tốt đẹp và ý nghĩa khi nó xuất hiện từ sự chân thành của tấm lòng thay vì màu mè nhằm lấy chút danh dự không cần thiết. Cả cuộc đời, bố mẹ đã hi sinh vì con, cất công nuôi dạy thì chẳng còn thứ vật chất nào có thể sánh bằng nữa. Con người tạo ra lễ nghĩa, chính vì vậy, chúng ta không nên quá lệ thuộc vào chúng để rồi gây ra những câu chuyện chẳng vui trong ngày trọng đại của con.
Có nên đưa của hồi môn cho mẹ chồng cất giữ?
Của hồi môn là bố mẹ đẻ dành dụm, tích góp thậm chí phải vay mượn mới có để con mang về nhà chồng. Thế nhưng không ít trường hợp trớ trêu khi mẹ chồng nằng nặc muốn giữ bằng được “món quà này”. Nhiều chị em bất lực khi phải lên mạng xã hội kêu cứu về việc có nên để mẹ chồng giữ hộ của hồi môn.
Nói về quan điểm này, chị Tuyết Nhung, hiện đang làm việc tại công ty nước ngoài, có tư duy khá mở cho biết: “Của hồi môn là của bố mẹ đẻ dành dụm để đưa cho mình về nhà chồng sinh sống, có của phòng thân. Thậm chí nhiều khi bố mẹ vất vả mấy đời mới có được từng đó hay chạy vạy vay mượn khắp nơi nên việc đưa cho mẹ chồng giữ là không phù hợp. Một là mình giữ, 2 là gửi lại mẹ đẻ, ngoài ra không có phương án 3".
Cách làm của chị Nhung được nhiều chị em đồng ý bởi họ cho rằng khi vợ chồng đã kết hôn có nghĩa là trưởng thành và phải tự lo cho cuộc sống của mình. Đôi vợ chồng trẻ cũng cần biết quản lý chi tiêu tài chính, độc lập về mọi mặt chứ không thể ngay cả việc giữ của cũng phụ thuộc vào mẹ chồng. Hơn nữa, giữa những thành viên trong gia đình, liên quan tới mặt tài chính sẽ thường gây ra những vấn đến khó giải quyết, xảy ra mâu thuẫn.
Tuy nhiên, một số lưu ý trong trường hợp này đó chính là dù không đồng ý cho mẹ chồng giữ của hồi môn thì các cô gái cũng cần cư xử cho khéo léo. Bởi nếu những ngày đầu đã làm mất lòng mẹ chồng thì rất khó giữ được mối quan hệ hòa nhã, hạnh phúc sau này. Tùy thuộc vào từng vấn đề cũng như sự căng thẳng từ phía mẹ chồng mà có cách ứng xử phù hợp nhất.
Của hồi môn tùy thuộc vào từng gia đình mà bố mẹ sẽ cho trong khả năng của bản thân. Tuy nhiên, mọi người cũng đừng coi trọng giá trị lớn nhỏ của nó quá. Thay vào đó, hãy để trọng tới tấm lòng, sự chân thành mà người thân dành cho nhau trong ngày trọng đại.
Cùng theo dõi thêm nhiều bài viết tại YAN.
Của hồi môn là quà mà bố mẹ dành tặng cho con gái cho nên nó cực kỳ quý giá. Mỗi gia đình có một khả năng kinh tế khác nhau. Vì vậy là phận làm con không nên ganh tị, hời dỗi nếu khả năng bố mẹ lo cho mình không được nhiều. Thay vào đó hãy cảm thấy tự hào và may mắn vì được bố mẹ chăm chút, yêu thương, nuôi dạy nên người. Bố mẹ đã vất vả cả đời, thậm chí sẵn sàng hi sinh cả mạng sống vì các con.
Cùng theo dõi thêm nhiều bài viết tại đây.