Bỏ khung giá đất có khiến giá nhà tăng lên?
Ngay sau khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi lập tức trở thành vấn đề nóng được nhiều người quan tâm.
Tại Nghị quyết số 111 mới đây của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án luật bảo đảm sự thống nhất, tính đồng bộ với các luật có liên quan.
Hàng loạt vấn đề liên quan đến đấu thầu, đấu giá đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình hay chính sách đền bù khi thu hồi đất của người dân được Chính phủ quan tâm và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu để hoàn thiện dự thảo.
Trong chương trình Landshow (Lăng kính nhà đất) mới đây, VTV Money đã mời đến trường quay Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà để giải đáp những thắc mắc lớn của người dân sẽ được sửa đổi trong luật thời gian tới.
Thông qua các câu hỏi gửi đến chương trình, có hai vấn đề lớn nhất được người dân quan tâm, một là: Việc bỏ khung giá đất , có khiến giá nhà tăng lên?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xác định được đúng giá đất theo thị trường sẽ giúp người dân có lợi khi thu hồi đất, đền bù. Ngoài ra, bản thân nhà nước cũng có lợi khi thực hiện thu các nghĩa vụ tài chính từ người dân.
"Giá đất ở đây sẽ tăng hơn so với thời kỳ áp dụng khung giá đất nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá đất liên quan đến các nhà đầu tư hiện nay. Bên cạnh đó chúng ta có chính sách khu vực nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, người lao động thì nhà nước không thu tiền nên việc bỏ khung giá đất hoàn toàn không ảnh hưởng đến bảng giá đất theo thị trường", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Vấn đề thứ hai được đông đảo người dân quan tâm là: Chính sách hỗ trợ cho người dân khi nằm trong khu vực bị thu hồi đất để thực hiện các dự án ra sao?
Giải đáp vấn đề này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ quy định rõ điều kiện tiêu chí loại dự án nào thì nhà nước sẽ thu hồi. Phải đảm bảo như trong Nghị quyết 18 đã nhấn mạnh là sau khi bị thu hồi, người dân sẽ có điều kiện sống tốt hơn. Điều này được thực hiện thông qua việc trao đổi, thống nhất với người dân về phương án chuyển dịch ngay từ khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay: "Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư phải được đa số người dân thống nhất thì mới thực hiện việc thu hồi đất của người dân. Phải đảm bảo người dân được thừa hưởng và phân phối công bằng những nguồn lực của đất nước, trong đó có nguồn lực của đất đai. Trong từng bước thực hiện các dự án phải có trách nhiệm tính toán đánh giá các tác động và xác định chính sách an sinh, công ăn việc làm…"
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa lấy ý kiến Quốc hội vào tháng 10 và tiếp tục được bàn thảo trong các kỳ họp tiếp theo. Nếu như các nội dung đạt được sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu, dự kiến Quốc hội sẽ họp thông qua Luật Đất đai 2023 vào tháng 10 năm sau.