Bộ KH&ĐT: Không để tình trạng “vốn chờ dự án” trong đầu tư công

Chia sẻ Facebook
22/07/2023 02:04:28

Năm 2024, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cũng là năm hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước có những chuyển biến tích cực, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%) với số tuyệt đối cao hơn 65.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, áp lực giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 còn rất lớn, khoảng 491.000 tỷ đồng.

“Để phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân trên 95% theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung, quyết liệt hơn nữa thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công”, báo cáo nêu rõ.

Cơ quan này cũng nhấn mạnh cần triển khai ngay việc giao, điều chỉnh kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung hạn và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm 2023 theo đúng Nghị quyết số 93 của Quốc hội nhằm giải ngân cao nhất kế hoạch vốn của Chương trình.

6 tháng đầu năm 2023, tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (Ảnh: Phạm Tùng).

Trường hợp không thể điều chỉnh, đề nghị có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho các bộ, ngành và địa phương khác.

Đối với kế hoạch vốn năm 2023 đã bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không trả lại kế hoạch vốn năm 2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08.

Các bộ ngành, địa phương được đề nghị tập trung rà soát, thu hồi vốn ứng trước, rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tại các Nghị quyết số 91, Nghị quyết số 93 của Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Bên cạnh đó, đánh giá, phân tích sâu sắc kết quả giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, qua đó kiến nghị hết sức cụ thể để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Đối với xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương.

“Đây là năm chúng ta đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khi hầu hết các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đồng thời cũng bắt tay vào xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn sau”, báo cáo nhấn mạnh.

Năm 2024, đầu tư công tiếp tục được xem là một trong các động lực quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Tùng).

Trước bối cảnh và kỳ vọng đó, các bộ, địa phương cần chú trọng một số vấn đề như chỉ đề xuất kế hoạch vốn cho các dự án dự kiến đến ngày 31/12/2023 sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư; chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2023 để có thể giải ngân vốn ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2024, không để tình trạng "vốn chờ dự án”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.


Chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2030. Tập trung nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đường bộ, Luật Ngân sách nhà nước... bảo đảm liền mạch, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới .

Chia sẻ Facebook