Bỏ học từ lớp 4, người mẹ bán chè rong nuôi 3 đứa con thành Tiến sĩ, Thạc sĩ ở nước ngoài
Chị Duy Gắn không có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, nhưng nhờ phương pháp giáo dục chất lượng, cả 3 người con đều có thành tựu rực rỡ.
Mẹ nghỉ học từ lớp 4, con là Tiến sĩ, Thạc sĩ nước ngoài
Trong dân gian có câu: “Núi cao bởi có đất bồi”, hiểu theo nghĩa tích cực thì những thành công của thế hệ sau được đắp bồi rất nhiều từ thế hệ trước. Câu chuyện của vợ chồng chị Duy Gắn (sống tại Huế) có lẽ là một minh chứng sống động cho vế đầu của câu ca dao trên.
Chị Duy Gắn hồi nhỏ rất thích đi học, nhưng năm 11 tuổi, gia đình gặp biến cố lớn, ba qua đời đột ngột, chị phải nghỉ học để phụ mẹ nuôi các em. Chị chỉ được học đến hết lớp 4. Khi trưởng thành, chị nên duyên với chồng, anh cũng chỉ học hơn chị vài lớp, do hoàn cảnh khó khăn.
Họ là những buôn bán, lao động chân tay giản dị sống ở thành phố Huế. Động lực sống, vươn lên mạnh mẽ nhất của họ trong những tháng ngày bươn chải là mong con cái được có cái chữ, gia đình được thoát nghèo. Chị bán hàng rong, gánh chè chạy khắp thành phố còn anh đạp xích lô chở hàng.
Gia đình chị Duy Gắn.
Vì yêu, ao ước được học nên chúng tôi gửi gắm giấc mơ đó vào những đứa con. Vì vậy dù khổ đến mấy thì vẫn cố gắng nuôi con ăn học. Hành trình nuôi con ăn học chưa bao giờ là dễ dàng, nhiều lần tưởng chừng con phải đứt gánh giữa đường, nhưng thấy tội nghiệp con nên vợ chồng tôi lại tự nhủ luôn cố gắng thêm chút nữa
Dù không được học nhiều, vợ chồng chị Duy Gắn luôn nỗ lực để dạy các con.
Chị Duy Gắn nhận xét, 3 người con của mình đều ngoan và chăm học, từ nhỏ đã ý thức mình là con nhà nghèo nên rất nỗ lực. Thời đại học, họ đều chủ động đi làm thêm để giảm gánh nặng cho bố mẹ. Với cả ba người, vợ chồng chị đều hỗ trợ cho con học hết bậc cử nhân. Nhưng cả ba đều không chỉ dừng lại ở đó.
Uyên Nhi - cô con gái đã đầu tốt nghiệp Tiến sĩ ở Nhật.
Anh Tài - con trai giữa là Trợ lý Chuyên môn (Phó Hiệu trưởng Chuyên môn) một trường phổ thông quốc tế ở Huế.
Anh Tài cũng từng là thủ khoa thạc sĩ, là học viên duy nhất của khóa bảo vệ luận văn thạc sĩ bằng tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của giáo sư viện nghiên cứu quốc tế ở Nhật và giành học bổng đi học ở Nhật và Ý ngắn hạn.
Nhật Anh - cô con gái út vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Pháp và tiếp tục nhận học bổng để làm nghiên cứu sinh ở đây.
Vợ chồng tôi là người buôn bán, không được học hành nhiều nên cũng có nhiều hạn chế, nhưng luôn cố gắng để dạy con. Chúng tôi cũng chỉ hỗ trợ các con xong bậc cử nhân, còn lại các bạn tự xoay xở để xin học bổng nước ngoài, tự xin việc làm.
Làm cha mẹ là hành trình gian nan không ngừng nghỉ cho đến cuối đời. Tuy nhiên được làm cha mẹ cũng là một đặc ân của trời đất. Dù cũng chưa thể gọi là thành công nhưng chúng tôi rất tự hào về các con của mình.
Bí quyết dạy con đáng nể, vừa “mềm” vừa “cứng”
Chị Duy Gắn khiêm tốn bảo, vợ chồng chị không có bí quyết gì cao siêu về dạy dỗ các con, chỉ có tình yêu và tình yêu. “Tôi nghĩ bất cứ ông bố bà mẹ nào đều yêu thương con theo cách riêng của họ, nhưng quan trọng nhất là cách thể hiện tình yêu với con.”. Người mẹ học chưa hết tiểu học đã có cách dạy con vừa “mềm” vừa “cứng”.
Mềm mỏng trong tình yêu thương
Mềm, ấy là khi chị thường xuyên nói cho con biết là mẹ yêu các con rất nhiều. Chị cũng có đánh mắng khi các con hư nhưng các con vẫn rất yêu mẹ.
Chị Duy Gắn cũng cố gắng để làm bạn với con. Khi các con kể về chuyện trường lớp, về những người bạn, chị ghi nhớ hết tất các đặc điểm của các bạn con. Vậy nên khi con dẫn bạn về nhà chơi, chị dễ dàng chỉ ra từng người. Điều này khiến con chị và cả các bạn của họ thấy mẹ thật “ngầu” và cũng rất gần gũi.
Uyên Nhi (con gái lớn) cùng giáo sư hướng dẫn trong ngày nhận bằng tiến sĩ tại Nhật.
Con lớn của tôi ăn uống theo cảm xúc. Những đêm đi học thêm về muộn thì nó cũng ăn uống qua loa rồi đi ngủ vì nó buồn khi ăn một mình. Tôi thường sẽ ngồi tâm sự với con để đảm bảo nó ăn hết phần cơm. Lúc này con kể những chuyện trong ngày, nhờ vậy mà mẹ con cũng gắn kết hơn.
Ngay như chuyện học phí, dù khó khăn đến mấy thì vợ chồng tôi cũng luôn ưu tiên dành dụm tiền nộp học cho con. Nếu cần thiết thì nộp đơn xin miễn giảm học phí chứ không để con bị thầy cô giáo đuổi về vì không có tiền nộp. Các bạn nhỏ cũng cần sĩ diện. Nếu bị xấu hổ, tôi lo các bạn sẽ không muốn đi học nữa
Hai vợ chồng chị Duy Gắn luôn quan tâm đến tình hình học tập của con, nhưng bằng một cách đầy dịu dàng. Chị kể lại, hồi Uyên Nhi, con gái lớn học lớp 8, gặp khó khăn trong môn Hoá học, khóc thút thít. Chồng chị hôm ấy 9 giờ tối mới về đến nhà sau một ngày đi chở hàng nặng nhọc.
Lúc đó mồ hôi đầy người, nhưng anh vừa bưng chén cơm vừa dạy cho con gái cách cân bằng phương trình hoá học bằng cách cầm phấn trắng viết trên nền nhà đất. Sau buổi phụ đạo đó, Uyên Nhi đã tự tin chinh phục được môn Hoá, còn được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của thành phố và thi đại học được 9,75 điểm môn Hoá.
Dù bận buôn bán hay chở hàng, vợ chồng tôi không bao giờ vắng bất kỳ buổi họp phụ huynh nào. Vợ chồng tôi cũng chở con đi thi học sinh giỏi các cấp bằng xe đạp, sau này là xe máy. Chồng tôi luôn tự mình lên ga tàu, sân bay để đưa đón các con khi đi xa về dù là đi chơi hay đi học, đi công tác…
Nhật Anh (con gái út) nhận bằng thạc sĩ tại Pháp.
Chúng tôi không được học nhiều, cũng không được đi nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết nơi mình sinh ra. Vậy nên chúng tôi luôn nghĩ rằng con đường bằng phẳng nhất cho con cái là lúc nhỏ ráng học giỏi, học xong rồi đi làm đúng ngành nghề, lấy vợ chồng ở quê rồi sinh con đẻ cái.
Nhưng cuộc đời là những ngã rẽ, các con có những mong muốn đôi khi khiến vợ chồng tôi thật sốc ví dụ như đòi đi du học, tự mở trung tâm gia sư, trung tâm luyện thi tại nhà khi còn là sinh viên, bán hàng online hay lấy chồng người nước ngoài…
Dù không dễ gì nhưng rồi chúng tôi cũng học cách để hiểu rằng đó là ước mơ của các bạn, là cách mà các bạn thể hiện mình với thế giới. Các bạn muốn sải cánh bay trên bầu trời cao rộng. Vì hạnh phúc của con nên vợ chồng tôi đều đã đồng ý. Chúng tôi cũng trưởng thành mỗi ngày cùng với sự trưởng thành của các con.
Cứng rắn trong cách “trị” con
Hết lòng yêu thương, tôn trọng các con nhưng chị Duy Gắn cũng khẳng định, vợ chồng chị cũng có những nguyên tắc và nề nếp cho con và cho cả bản thân. Chị tự thấy vợ chồng chị khá nghiêm khắc. Hai cô con gái ngoan, tự giác hơn nên chị không phải nhắc nhiều.
Còn con trai Anh Tài khi vào tuổi teen cũng có những biểu hiện nổi loạn của tuổi dậy thì như lười học, trốn học đi chơi game... Chị tìm cách để biết thông tin và cho con biết rằng mẹ không dễ bị qua mặt. Sau khi nói dối vài lần đều bị mẹ phát hiện, con trai chị không dám nữa. Sự can thiệp kịp thời của người mẹ đã tác động đến con trai những thời điểm quyết định như thì vào trường chuyên, thi đại học… và con đều vượt qua.
Anh Tài hiện đang làm việc tại một trường quốc tế ở Việt Nam.
Để các con có thể nể phục, nghe lời mẹ, bản thân anh chị cũng đặt ra những nguyên tắc cho bản thân mình. Họ luôn cố gắng làm gương cho con. Chị chia sẻ, hai vợ chồng đều rất chăm chỉ làm việc để con hiểu ai cũng có nhiệm vụ của mình: Ba mẹ làm việc còn con thì học hành nghiêm túc. Thời còn trẻ, vợ chồng chị gần như không có ngày nghỉ nào. Chị đi bán quanh năm chỉ nghỉ vài ngày Tết lo cúng cấp bàn thờ tổ tiên còn anh, nếu có việc thì mùng Một cũng đi chở hàng.
Họ cũng luôn cố gắng công bằng với các con nhất có thể, không có chuyện con yêu con ghét. 3 người con đều được đầu tư học hành đầy đủ, không ai phải thua thiệt so với các anh chị em. Dù vậy, anh chị cũng không quá kỳ vọng hay ép buộc nếu con không đủ sức.
Nhờ cách nuôi dạy có chiến lược bài bản đó, cả 3 người con của chị Duy Gán đều khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công, được tự do thể hiện bản thân. Chị tự hào về thành quả của các con, nhưng vẫn khẳng định các con giỏi giang là do tự thân họ là chính. “ Làm cha mẹ là hành trình gian nan không ngừng nghỉ cho đến cuối đời. Tuy nhiên được làm cha mẹ cũng là một đặc ân của trời đất. ”
Thiên Yết