"Bó hoa tiền bất nhã" và màn tỏ tình thất bại giữa đám đông: Kể cả bằng tờ 500 thì cũng chả cô nào muốn gật đầu, thưa các anh!
Người ta có thể cầu hôn bằng nhẫn kim cương nhưng không ai mang 1 bịch tiền để cầu hôn bạn gái. Tỏ tình cũng vậy, cần sự tinh tế để lỡ có thất bại cũng không phải muối mặt trước bàn dân thiên hạ...
Màn tỏ tình thất bại và " bó hoa tiền bất nhã"
Gần đây, một đoạn clip về một màn tỏ tình thất bại tại phố đi bộ Hồ Gươm đã khiến dân tình bàn tán xôn xao. Dù phố đi bộ đã trở thành địa điểm cho nhiều màn tỏ tình thành công hay thất bại như trước đó đã từng xảy ra, nhưng màn tỏ tình với bó hoa bằng tiền thật này vẫn khiến nhiều người chú ý.
Câu chuyện từ clip này hiện vẫn đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dự luận, MXH vẫn bàn tán xôn xao về cái kết thất bại và "bó hoa tiền bất nhã".
Tỏ tình giữa chốn đông người (khi không nắm chắc được 90% cái gật đầu) đã là chuyện đáng bàn khi gây áp lực không đáng có cho một cô gái. Điều bất nhã không kém tiếp theo chính là người tỏ tình dùng "phương tiện bày tỏ" là bó hoa tiền (hoa làm từ tiền thật) để nói lời yêu đương. Sự phô phang vật chất cho một chuyện vốn dĩ được cho rằng nó phải xuất phát từ trái tim đã thể hiện sự kém duyên có thật từ một anh chàng có vẻ ngoài công tử bạch mã.
Thực tế, không phải người đàn ông nào cũng tỏ tình thành công, nhưng dùng bó hoa bằng tiền để tỏ tình giữa chốn đông người và bị từ chối phũ phàng thì ai cũng cho rằng là... cái kết xứng đáng.
Hãy bỏ qua việc đây có phải là 1 màn tỏ tình fake được dàn dựng để PR cho một shop bán hoa làm bằng tiền hay không, mà bàn đến sự ảnh hưởng của nó trong cộng đồng thì thấy rõ ràng đây là một sự thất bại nhiều chiều của người tạo ra nó.
Người ta hay nói "cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền" nhưng không phải trường hợp nào cũng đúng, đặc biệt trong tình yêu. Bó hoa tiền không giúp chàng trai có được tình yêu của cô gái, nhưng có lẽ đã mua được cho anh chàng kia hoặc những người liên quan một bài học nào đó.
Đàn ông giàu có thể có ưu thế, nhưng sự tinh tế không thể bỏ qua
Dù vật chất được cho là khá quan trọng trong đời sống lứa đôi, nhưng tỏ tình bằng một bó hoa bằng tiền ở chốn đông người là sự xúc phạm với các cô gái, đặc biệt khi đây là bước khởi đầu để thể hiện tình cảm và ý định xây một mối quan hệ.
Dù mong muốn của các cô gái đa phần ngoài tình cảm chân thành còn cần cả sự đảm bảo về tài chính. Nhưng cách để thể hiện nó hoàn toàn không phải là cách một chàng trai ngập ngừng bước đến và ôm 1 bó hoa bằng tiền để nói "anh yêu em" hoặc đề nghị "đồng ý làm bạn gái anh nhé" trước sự chứng kiến của bao nhiêu người. Bó hoa tiền không phải là minh chứng để đảm bảo về vật chất cho cô gái, càng không thể hiện sự tinh tế và khéo léo của một người đàn ông khi tỏ tình.
Giữa chốn đông người tặng 1 bó hoa bằng tiền để tỏ tình là một sự lố bịch mà có lẽ cô gái nào có nhận thức đầy đủ cũng sẽ lắc đầu. Một bó hoa đẹp đẽ có thể thể hiện tình cảm, nhưng một bó hoa bằng tiền ở hoàn cảnh này thực chất chỉ là tiền.
Phụ nữ dù thực dụng hay nặng về tình cảm cũng luôn mong ở người đàn ông của mình sự tinh tế. Bó hoa tiền đã cho thấy trình độ và nhận thức của anh chàng không có khả năng mang lại một sự bảo đảm nào của một mối quan hệ triển vọng.
Trong trường hợp này nếu bạn nam tặng cô gái 1 bó hoa không phải bằng tiền thì dù ngay cả khi bị từ chối thì cũng đỡ quê hơn rất nhiều. Còn sự thất bại này ai cũng thấy đây là cái kết tất yếu, rằng đáng đời một anh chàng ngờ nghệch hay thô thiển bày tỏ tình cảm đầy tính vật chất một cách lố bịch.
Ai đó bảo "phụ nữ cơ bản thích tiền" nhưng họ cũng quên mất rằng "có nhiều chuyện vốn dĩ không bao giờ có thể mua được bằng tiền". Bó hoa tiền thực chất không có lỗi khi sử dụng trong một mối quan hệ lứa đôi đã đủ thân thiết. Có khi các cô vợ hẳn sẽ rất vui nếu mệnh giá bó hoa càng lớn, bởi vì lúc này với phụ nữ tình yêu chính là những con số thực tế.
Nhưng nó tuyệt đối không thể là công cụ cho việc tỏ tình của một chàng trai dành cho một cô gái, đặc biệt hơn nữa khi nó ở chốn đông người. Sự phô trương đến 2 lần của chàng trai cho một màn bày tỏ tình cảm dễ khiến ai cũng cảm thấy quá lố và hiểu rằng thất bại là chuyện đương nhiên.
Tỏ tình có thể là một sự khởi đầu cho một mối quan hệ, vì thế các chàng trai chân thành thôi chưa đủ, mà còn cần thể hiện cả sự tinh tế của một người đàn ông người trưởng thành.
Cuối cùng thì người ta sẽ thấy rằng nếu đây là một chiêu trò được dàn dựng để marketing thì dù đã tiếp cận được tới đám đông, nhưng hiệu quả dường như lại tỷ lệ ngược lại. Có lẽ sau màn tỏ tình fake này nhiều người bỗng trở nên ác cảm với bó hoa tiền hơn bình thường khi nó bị đặt trong một hoàn cảnh vô duyên y như "anh chủ" của nó vậy.
Còn nếu đây thực sự là 1 màn tỏ tình không hề giả trân thì quả là đáng đời cho anh chàng công tử bạch mã kém duyên mang tình cảm phô phang giữa chốn đông người, hơn vì mong muốn nhận được cái gật đầu của cô gái mình thương.
Theo DX
Pháp Luật và Bạn đọc