Bộ GTVT: Nâng tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính, cắt bỏ dự án chưa cấp thiết
Bộ trưởng Bộ GTVT vừa có quyết định về việc ban hành Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT với 6 mục tiêu lớn.
Bộ GTVT: Nâng tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính, cắt bỏ dự án chưa cấp thiết
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; Cắt giảm các chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền quyết định nhưng kém hiệu quả. Không đề xuất mới chương trình, dự án, đề án có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi.
Năm 2025 tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính
Hoàn thành việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập theo quy định trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công theo lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công để vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” của Chính phủ.
Việc bố trí vốn đầu tư công phải phù hợp với định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được phê duyệt; Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách; kiểm soát số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.
Trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, phải Bố trí kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tuân thủ theo đúng quy định.
Kiên quyết thu hồi tài sản sử dụng sai đối tượng, vượt tiêu chuẩn định mức
Trong quản lý, sử dụng tài sản công, phải tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức.
Việc thực hiện quản lý, bảo trì, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá.
Đối với công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT yêu cầu phải rà soát, xử lý các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hoàn tất việc sắp xếp lại và xử lý cơ bản xong những yếu kém, tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm bảo nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được nộp ngân sách nhà nước kịp thời, đầy đủ.
Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, nhiệm vụ được yêu cầu tập trung là tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp.
Tách GPMB, tái định cư ra khỏi dự án
Cụ thể hóa những mục tiêu trên, hàng loạt giải pháp được Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị thực hiện.
Trong đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh việc quản lý tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn với kế hoạch nợ công.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.
Nghiên cứu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định pháp luật phù hợp đối với việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị phải rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư xây dựng công trình trong các lĩnh vực quản lý. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lựa chọn nhà thầu, quản lý đấu thầu, đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng để giảm bớt chi phí hành chính.
Xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công; gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công; tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải đảm bảo tính tự chịu trách nhiệm “cá thể hóa” vai trò cá nhân của người đứng đầu trong quản lý, điều hành…
Báo Chính phủ