Bộ GD-ĐT báo cáo Quốc hội các điểm mới nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu lên những điểm đáng chú ý, dự kiến điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2022.
Đề thi tốt nghiệp THPT đảm bảo độ phân hóa phù hợp
Trong báo cáo Quốc hội thực hiện nghị quyết hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ k ỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Các tỉnh/thành phố chủ trì toàn bộ công tác thi tại địa phương theo khung thời gian do bộ quy định. Thời gian tổ chức kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19 mà bộ đã công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.
Bộ xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi).
Bộ cùng các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, thiết thực, khách quan, công bằng.
Đến thời điểm này bộ đã thực hiện những nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị tổ chức kỳ thi: công bố đề thi tham khảo vào ngày 31-3-2022; rà soát hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát và nâng cấp phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT; tổ chức tập huấn công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT ngày 21-4.
Bộ đang t iếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào đầu tháng 7 bảo đảm khách quan, công bằng.
Các dự kiến điều chỉnh
Đối với phương án tuyển sinh năm 2022 , theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cơ bản giữ ổn định như năm 2021, tuy nhiên sẽ có một số nội dung dự kiến điều chỉnh như:
Việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ phải thực hiện trên cổng thông tin của bộ và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất của thí sinh).
Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các trường được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của trường.
Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.
Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Các trường xác định chỉ tiêu cho phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình; các trường khi bỏ đi phương thức tuyển sinh cũng cần có lộ trình, việc giảm chỉ tiêu hằng năm cần thông báo để không ảnh hưởng tới việc học tập, ôn tập của thí sinh.
Các địa phương cập nhật kết quả học tập (lớp 10, 11, 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển phục vụ công tác tuyển sinh của các trường.
Các trường chịu trách nhiệm giải trình các tình huống có thể phát sinh, rủi ro và phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Báo cáo của bộ nêu từ năm 2021 đã ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học kèm thông tư số 08 áp dụng từ khóa tuyển sinh năm 2021-2022.
Theo đó, các trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của bộ.
Khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn...
Thời gian tới, bộ sẽ sớm ban hành quy chế tuyển sinh mới theo tinh thần các nội dung nêu trên để làm căn cứ cho các trường tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh năm 2022.
Đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác tuyển sinh của các trường bảo đảm khách quan, công bằng; phát hiện, xử lý sai phạm nếu có.
Theo kết quả khảo sát, các giáo viên cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao, từ 62 - 77%.