Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT
Chương trình này được thực hiện từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 11 và từ năm học 2024-2025 đối với lớp 12.
Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT nhằm cụ thể hóa mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT đối với Giáo dục thường xuyên, giúp học viên làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và năng lực; phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có nhân cách, đời sống tâm hồn phong phú, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Mục tiêu chung của Chương trình là nhằm giúp học viên tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, hoàn thiện học vấn THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu có thể tham gia vào thị trường lao động và tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT được thực hiện trong 3 năm học. Học viên vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp THCS theo hình thức chính quy hoặc Giáo dục thường xuyên.
Chương trình bao gồm các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; các môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp; các chuyên đề học tập lựa chọn; các môn học và hoạt động giáo dục tự chọn.
Cụ thể, các môn học bắt buộc gồm 7 môn học, trong đó: Ngữ văn, Toán, Lịch sử là 3 môn học bắt buộc và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra còn có các môn học, hoạt động tự chọn gồm Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc thiểu số, Nội dung giáo dục địa phương,
Thời gian học của mỗi năm học là 35 tuần/lớp. Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút.
Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT được tổ chức linh hoạt theo các hình thức tập trung, vừa làm vừa học để phù hợp đặc điểm, nguyện vọng của người học, điều kiện dạy học của các địa phương; khuyến khích các địa phương tổ chức các hình thức dạy học kết hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc lựa chọn và tổ chức dạy học do các Trung tâm Giáo dục thường xuyên quyết định trên cơ sở đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của chương trình.
Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Cùng với kết quả các môn học bắt buộc, các môn học lựa chọn,chuyên đề học tập lựa chọn bắt buộc, hoạt động giáo dục bắt buộc và môn học tự chọn được sử dụng cho đánh giá kết quả học tập chung của học viên trong từng năm học và trong cả quá trình học tập.
Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.