Bộ Công thương yêu cầu báo cáo vụ mì Gấu Đỏ bị Đài Loan phát hiện chất Ethylene Oxide

Chia sẻ Facebook
18/11/2022 14:53:11

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Công ty Thực phẩm Á Châu yêu cầu báo cáo về một lô hàng (945 kg) mì Gấu Đỏ nghi có chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) yêu cầu báo cáo về một lô hàng mì ăn liền nghi có chứa chất Ethylene Oxide (EO) vượt ngưỡng quy định bị phát hiện ở Đài Loan. Trước đó, nước này từng tiêu hủy tới hơn 2 tấn mì ăn liền nhập từ Việt Nam cùng lý do tương tự.

Hải quan Đài Loan từng phát hiện và tiêu hủy tới hơn 2 tấn mì ăn liền nhập từ Việt Nam chứa chất EO vượt ngưỡng quy định. (Ảnh minh họa: Monthira/Shutterstock)


Truyền thông trong nước đưa tin, Bộ Công thương cho biết Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) công bố một lô hàng (khoảng 945 kg) mì ăn liền tôm chua cay nhãn hiệu Gấu Đỏ (tên tiếng Anh là SOUR-HOT SHRIMP FLAVOR INSTANT NOODLES) bị phát hiện có chứa Ethylene Oxide (EO) ở Đài Loan vào hôm 15/11, theo Tuổi Trẻ .

Sản phẩm này của Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) và được một doanh nghiệp của Đài Loan nhập khẩu. Qua kiểm tra, cơ quan Đài Loan phát hiện tại cửa khẩu hàm lượng chất cấm không phù hợp tiêu chuẩn.

Trong đó, hàm lượng Ethylene Oxide (EO) được phát hiện lần này không chỉ trên gói gia vị (3,438mg/kg) mà còn phát hiện cả ở vắt mì (0,107mg/kg).

Vì vậy, Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp này thông tin về các loại sản phẩm thực phẩm bao gồm: tên sản phẩm, số lượng, lô sản xuất, hạn sử dụng, thị trường xuất khẩu, bản sao hồ sơ tự công bố thực phẩm kèm theo kết quả kiểm nghiệm do công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Đài Loan trong năm 2022, cũng như quy trình công nghệ sản xuất mì ăn liền của công ty.

Doanh nghiệp cũng được yêu cầu đánh giá nguy cơ về khả năng xuất hiện Ethylene Oxide trong các sản phẩm mì ăn liền do công ty sản xuất, kinh doanh kèm theo biện pháp kiểm soát tương ứng.

Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín trong hoạt động thương mại, Bộ Công thương đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường.

Từ đầu năm 2022 tới nay, Đài Loan đã từng tiêu hủy 2 lô hàng mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam với lý do như trên, gồm: 1.440 kg mì Omachi xốt tôm chua cay nhập khẩu và lô hàng tổng cộng 1.116 kg mì ăn liền có tên là JINRO RAMENJ INRO với hương vị thịt bò kiểu Hàn Quốc

Trước đó, nhiều nước thuộc liên minh châu Âu (EU) cũng đã cảnh báo và cho thu hồi một số loại mì ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam chứa Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định.

Mì Hảo Hảo, miến Good bị thu hồi vì chứa Ethylene Oxide, Acecook Việt Nam nói gì?

Cụ thể, Đức, Ba Lan và Malta gửi cảnh báo các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm các quy định về việc chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.

Theo đó, phía Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, Bình Dương) chứa chất cấm Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở thương hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

Còn Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam – Vifon (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nước này đã trả lại lô hàng.

Gần đây, Campuchia cũng phát đi thông báo cần có chứng nhận kiểm tra Ethylene Oxide đối với sản phẩm “Mì ăn liền Hảo Hảo”. Nhà nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận này với số lô tương ứng cho cán bộ kiểm tra (hải quan và thuế) tại cửa khẩu.

Theo tờ Khmer Times, ông Phan Oun, phụ trách Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ người tiêu dùng, Cạnh tranh và Chống gian lận (KPR) của Campuchia cho biết nếu phát hiện loại mì chứa chất EO vào thị trường Campuchia, Tổng cục KPR sẽ vào cuộc để thu hồi.

Ông Dim Theng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ người tiêu dùng tại Bộ Thương mại Campuchia cho biết nước này kiểm tra toàn bộ sản phẩm mì trên thị trường để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Những bệnh ung thư nào có liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylene Oxide?

Ung thư hạch và bệnh bạch cầu là những bệnh ung thư thường được báo cáo là có liên quan đến phơi nhiễm nghề nghiệp với Ethylene Oxide. Ung thư dạ dày và ung thư vú cũng có thể liên quan đến việc tiếp xúc với Ethylene Oxide.

Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) xếp Ethylene Oxide vào loại chất gây đột biến và ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa Ethylene Oxide không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm chất này trong một thời gian dài. Do đó, người sử dụng cần giảm thiểu việc tiếp xúc với Ethylene Oxide.


Đức Minh

Vì sao một số nước thu hồi hoặc tiêu hủy mì gói chứa Ethylene Oxide?

Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, Ethylene Oxide sử dụng chủ yếu để sản xuất các hóa chất khác, gồm cả chất khử trùng và thuốc trừ sâu.

Chia sẻ Facebook