Bộ Công Thương Việt Nam điều tra chống bán phá giá tháp điện gió từ Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
03/10/2023 05:59:03

Bộ Công Thương Việt Nam vừa ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với tháp điện gió từ Trung Quốc.

Bộ Công Thương Việt Nam điều tra chống bán phá giá tháp điện gió từ Trung Quốc. (Ảnh: wind power tower/Facebook)

Theo Báo Công Thương thuộc Bộ Công thương, việc điều tra được thực hiện theo đề nghị của các doanh nghiệp sản xuất trong nước bao gồm: Công ty TNHH CS WIND Việt Nam và Công ty TNHH Năng lượng xanh và Tái tạo Phương Nam. Đơn đề nghị được nộp hồi giữa năm 2022.

Các công ty trong nước cho rằng các sản phẩm tháp điện gió của Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam và hành vi bán phá giá này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Thời gian điều tra xác định hành vi bán phá giá là từ 1/7/2022 đến 30/6/2023, thời gian điều tra để xác định thiệt hại là từ 1/1/2018 đến 30/6/2023.

Theo quy định, sau khi bắt đầu điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bảng câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc; thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm của Việt Nam; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm trong nước.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào kết quả điều tra, Bộ Công Thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương sẽ thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Bộ Công Thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết tới Bộ Công Thương để bảo đảm quyền và lợi ích của mình theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có thể đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc với cơ quan điều tra theo mẫu đơn đăng ký bên liên quan theo thông tư số 37 ngày 29/11/2019 của bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại và gửi tới cơ quan điều tra qua phương thức công văn chính thức hoặc thư điện tử.

Hạn cuối để đăng ký bên liên quan là ngày 18/12/2023.

Hiện nay, sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu vào Việt Nam đang có mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) là 3%. Mức thuế MFN, hay còn gọi là mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường, được áp dụng với những nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và những nước tuy chưa phải là thành viên WTO nhưng đã ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ như Việt Nam.


Khánh Vy (t/h)

TP.HCM muốn làm dự án điện gió gần 400.000 tỷ đồng ở Cần Giờ

Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ có diện tích hơn 325ha, tổng công suất lắp đặt 6.000MW, dự kiến đặt tại khu vực Nam Biển Đông.

Chia sẻ Facebook